Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Nghệ sĩ ứng cử Đại biểu Quốc hội, đừng nghĩ người ta thiếu nghiêm túc

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)

(GDVN) - Cần có thái độ khách quan đối với người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội là diễn viên, ca sĩ... Họ ứng cử đâu phải vì đánh bóng tên tuổi...

LTS: Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về câu chuyện bầu cử, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, cần có thái độ khách quan đối với người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội thuộc giới văn, nghệ sĩ...

PV: Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng những người thuộc giới văn, nghệ sĩ, diễn viên ứng cử vào Đại biểu Quốc hội khóa XIV?

TS. Hoàng Ngọc Giao: Dưới góc độ dân chủ thì đây là điều bình thường và rất đáng hoan nghênh.

Chúng ta biết rằng, trên thế giới không ít người thuộc giới văn, nghệ sĩ, diễn viên từng trúng cử và giữ các chức vụ nhất định trong chính quyền. 

Đơn cử, cách đây nhiều năm về trước, nhân vật chính trong phim kẻ hủy diệt Arnold Schwarzenegger từng trúng cử thống đốc bang California.

Đây là điều hết sức bình thường khi người ứng cử thể hiện được năng lực trong lĩnh vực chính trị, được mọi người ghi nhận.

Do đó, tôi cho rằng, các văn nghệ sĩ, diễn viên khi đã tự ứng cử chứng tỏ họ rất tự tin, tâm huyết đủ bản lĩnh tham gia góp ý vào các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước. Đó có thể là câu chuyện tham nhũng, hoặc bất cập trong các vấn đề văn hóa nghệ thuật…

Mặt khác, tôi tin rằng những văn nghệ sĩ tự ứng cử là những người có tầm nhìn, vì họ được cọ sát, tiếp xúc rộng rãi với công chúng trong các hoạt động văn hóa, xã hội. Do đó, họ có điều kiện mở mang tri thức, đồng cảm với người dân trước những vấn đề bức xúc của xã hội.

Tôi ví dụ, cô ca sĩ ra Trường Sa hát cho bộ đội nghe, chứng tỏ người đó đã thấm được sự vất vả của các chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ biển trời của tổ quốc.

Hay chuyện một diễn viên đưa đến cho công chúng tiểu phẩm hài châm biếm phản ánh những bức xúc của xã hội.

Để làm được điều này, họ phải là người có hiểu biết, nhìn nhận rất kỹ càng các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

Từ đó, thúc đẩy họ thực hiện trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, trong việc tham gia xây dựng các đạo luật không chỉ riêng trong lĩnh vực họ quan tâm.

Do đó, chuyện cô ca sĩ này, diễn viên nọ đưa ra trương trình hành động, liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng chẳng hạn, thì cũng là điều bình thường.

Mặt khác, đây cũng là dịp những người tự ứng cử thuộc giới văn, nghệ sĩ được dịp soi lại mình xem mình đã xứng đáng với sự tin tưởng của công chúng hay chưa?

Có loại trừ trường hợp các văn, nghệ sĩ tự úng cử để “đánh bóng” tên tuổi của mình?

TS. Hoàng Ngọc Giao: Chúng ta cũng không thể khẳng định là không có được.

Có thể anh nói một đằng, nhưng phía sau đó là “PR” tên tuổi của mình.

Nhưng xin thưa, bầu cử là một “cuộc chơi chính trị” và quyền quyết định "cuộc chơi" đó thuộc về cử tri.

Người ta có thể nghĩ rằng, có thể dùng việc bầu cử để “PR” tên tuổi của mình, nhưng nếu không được cử tri tín nhiệm do đạo đức, tư cách không tốt hoặc trương trình hành động không phù hợp với thực tế thì cử tri sẽ không bỏ phiếu. Có khi lúc đó chiêu "PR" lại phản tác dụng ấy chứ!

Do đó, cử tri là người quyết định người đó có đủ tiêu chuẩn để làm Đại biểu Quốc hội hay không.

Cũng không nên vội vàng cho rằng, những người tự ứng cử thuộc giới văn, nghệ sĩ có động cơ không trong sáng. 

Thay vì việc gắn “mác” không trong sáng cho những người tự ứng cử là văn nghệ sĩ, chúng ta nên tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực, cọ sát với cử tri trước khi tiến hành bỏ phiếu.

Khi đó, bản chất, năng lực thực sự của mỗi cá nhân được đưa vào danh sách bầu cử sẽ do cử tri quyết định.

Quyền tự do ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã được quy định rõ trong hiến pháp. Tuy nhiên, cần phải làm gì để loại trừ các đối tượng lợi dụng việc này để kích động, xuyên tạc?

TS. Hoàng Ngọc Giao: Bầu cử là một câu chuyện rất nghiêm túc. Một khi việc bầu cử bị xuyên tạc thì đó là hành động vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, muốn quy kết người ta lợi dụng bầu cử, làm việc xấu hãy làm rõ thế nào là lợi dụng quyền tự do dân chủ? Chúng ta chuẩn hóa trong luật về việc lợi dụng quyền tự do dân chủ như thế nào?

Do đó, công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát rộng rãi của người dân là "liều thuốc" chống sự xuyên tạc, kích động tốt nhất.

Muốn làm được điều này, cần tạo môi trường bình đẳng, minh bạch để người tự ứng cử được phát huy năng lực của mình. Bên cạnh đó cần tăng cường sự giám sát của người dân, giới truyền thông trong hiệp thương, bầu cử.

Căn cứ vào những phản ánh của người dân đối với những trường hợp tự ứng cử có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ đồng thời công bố rõ ràng những vi phạm (nếu có) của người bị tố cáo. 

Tuy nhiên, tố cáo cũng là con dao hai lưỡi. Có thể có trường hợp người ta lợi dụng chuyện tố cáo để trù dập loại bỏ ứng viên khỏi danh sách bầu cử.

Ngược lại nếu tố cáo có cơ sở sẽ loại bỏ những người không xứng đáng, lọt vào cơ quan dân cử.