VNN - Trước khi lên án, xin cảm phiền hãy nhìn lại chính xã hội mà ta đang sống, chính nền văn hóa lâu đời mà ta đang thụ hưởng.
Khi “tôi muốn thằng chống gậy” trong đám tang của mình, nhà văn Đoàn Bảo Châu bảo rằng thế là sĩ diện hão, là yếu ớt về tư duy, là lố bịch. Tôi sai, cũng có thể lắm chứ, ít nhất là theo cách nhìn của nhà văn Đoàn Bảo Châu.
Nhưng xin hãy nghĩ lại!
Hán tự - thứ chữ mà cha ông chúng ta dùng ít nhất cả ngàn năm nói rằng: Nam là “lực” “điền” có nghĩa là có sức để cày ruộng; chữ nữ hình thiết tha yểu điệu, đặt dưới bộ miên thành chữ “an” nghĩa là trong nhà có phụ nữ thì yên vui. Việc ham con trai bắt nguồn từ cái tư duy cổ xưa như vậy, cái tư duy ấy nói rằng: Đàn ông lo việc cày ruộng (tức là lo về kinh tế); đàn bà nắm quyền lực trong gia đình tề gia để “an”.
Và khi nam nữ hài hòa ấy là “hảo” nghĩa là rất tốt lành.
Không có con trai, không có sức cày ruộng, đó thực sự là một “thảm họa” trong xã hội nông nghiệp. Nhân loại thì đã qua giai đoạn mẫu hệ, người con trai lấy vợ về, với nhiệm vụ sản sinh ra người kế tục chính mình, vừa để duy trì nòi giống, vừa là kế tục công sức cha, ông, tổ tiên mình đã tạo dựng.
Còn nếu là việc sinh con gái, lâu dài không còn dòng họ của mình trên nhân thế, không có cái danh (họ) của mình trong một cộng đồng nhỏ, cũng là một thảm họa, ít nhất là đối với dòng họ đó. Cả một xã hội cả tâm thức xã hội, văn hóa ngàn năm quy định như vậy, tôi yếu ớt về tư duy thực khó có thể... vượt lên.
Nhưng cả khi tư duy tôi mạnh mẽ thì vẫn còn đó một mối lo. Đấy là một mai mình và vợ trăm tuổi, ai là người chăm lo? Xã hội phụ hệ, con gái về nhà chồng, chủ về việc lo liệu việc nhà chồng; thậm chí con gái ta đến lúc đó nó còn mất luôn cả tên riêng, bạn bè; hàng xóm gọi con gái ta bằng từ "bà" cộng tên riêng của chồng nó?
Đến cái tên riêng của con gái mình (cái tên mà mình, thậm chí cha mẹ mình đau đáu mới nghĩ ra và đặt tên với mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với con) còn có nguy cơ mất trắng, thế thì mong nó chăm lo mình khi về già có hơi quá không? Tôi và vợ tôi già, “ai nắm tay thâu ngày đến sáng”? Vào viện dưỡng lão ư? Xin thứ lỗi, trên đất nước chúng ta hôm nay có được bao nhiêu viện như vậy?
Cả đời nuôi con, chắp cánh cho con bay xa. Về già nằm co, cảm giác ấy thật sự là đau đớn, đầy cô độc và cả nghẹn ngào. Còn bảo con trai người ta về nhà mình “ở rể” e rằng hơi khó, thậm chí đó như một niềm xúc phạm tới tính kiêu hãnh đàn ông của cậu ấy!
Và kể cả khi vào viện dưỡng lão rồi, ai không mong con mình tới thăm, nắm lấy đôi bàn tay mình, nâng chén cơm lên cho mình? Tôi nghĩ kể cả người có tư duy mạnh mẽ như nhà văn Đoàn Bảo Châu chắc cũng có cái mong ước như vậy! “Trẻ cậy cha, già cậy con” “tính toán sao cho có lợi với tương lai của mình "về già có chỗ nương tựa" nào có gì là sai?
Thôi ta cứ bỏ qua cái lo lắng của việc sinh con gái và rằng con gái cùng chàng rể sẽ chăm lo đầy đủ cho ta lúc tuổi già sức yếu, khi ta không thể bưng được chén cơm, tự uống được hớp nước. Nhưng liền sau đó mối lo thứ hai xuất hiện: Ta chết, vợ ta rồi cũng chết, linh hồn về đâu?
Nhà con gái vốn là nhà chồng, chẳng nhẽ hương hồn ta đến đó nương náu? Ô hay đó là nhà hay nơi thờ phụng ông bà thông gia của ta đấy chứ?
Đến lúc ấy, hương hồn bỗng thức tỉnh mà biết ra rằng không giống như người theo đạo Kito, hay Tin lành, hoặc Hồi Giáo, hoặc Phật giáo, linh hồn ta cùng vợ bỗng trở nên "tứ cố vô thân". Có nhà không về được (vì chẳng có ai hương khói), chẳng nhẽ ta và vợ ta cứ lang thang hoài và hưởng nén hương ngày… cúng cô hồn?
Thật nghĩ đến đây “kẻ tư duy yếu ớt” như tôi, kẻ chẳng theo một tôn giáo nào như tôi bỗng thấy bùi ngùi lo lắng. Tôi yêu con trai mình, tôi yêu con gái, tôi chắp cánh cho chúng bay xa, chúng là bảo vật là hiện tại là tương lai của tôi mà ông trời ban cho, là kết quả của tình yêu giữa tôi và vợ tôi mong đợi. Con gái- tôi yêu như con trai, nhưng thực lòng trong một gia đình có cả trai cả gái vẫn hơn. Điều đó không chỉ bảo đảm cho tôi và vợ hôm nay nở nụ cười, mà còn an lòng cả khi nhắm mắt xuôi tay.
Tôi muốn thằng chống gậy, có sao đâu? Chỉ cần tôi yêu các con của mình và hết lòng vì tương lai của chúng?