LĐO - Sáng 24.4 Thảo luận ở hội trường về Luật Dược sửa đổi, các đại biểu quốc hội đã đề xuất các biện pháp để kiểm soát giá thuốc chữa bệnh.
Về quản lý giá thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng để xử lý tình trạng một số mặt hàng cao, độc quyền nâng giá, tiêu cực trong kê đơn, nhiều lớp trung gian, cần bổ sung quy định hạn chế tầng lớp trung gian, qua đó sẽ sắp xếp lại mạng lưới phân phối quá thừa, hiện là gần 2000 cty phân phối. Về chuyên môn phải đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc, tăng vài trò của hội đồng thuốc và điều trị mới trị tận gôc được tiêu cực trong kê đơn.
Liên quan đến thuốc giả, Đại biểu băn khoăn sử dụng từ ngữ trong luật nói rằng thuốc giả có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đăng ký do cố ý. Đại biểu đề nghị phải làm rõ thế nào là cố ý, bởi nếu không chứng minh được cố ý thì không chứng minh được thuốc giả. Bên cạnh đó cần phần biệt thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng, bởi cả 2 bị nghiêm cấm kinh doanh nhưng mức độ xử lý khác nhau. Đại biểu cũng đề nghị tách riêng vấn đề thuốc giả trong mục hành vi nghiêm cấm để thấy mức độ nghiêm trọng, có xử lý nghiêm.
Đồng ý với đại biểu Phong Lan đề nghị bỏ quy định nói rằng thuốc giả là do lỗi cố ý, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, ở nước ngoài họ quản lý chặt chẽ hàm lượng viên thuốc, viên kháng sinh hàm lượng 500mg mà chỉ có 497 mg thì coi là thuốc giả. Nhà sản xuất phải đảm bảo sản xuất chất lượng đã đăng ký, không có chuyện cố ý với không cố ý.
Đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định hạn chế cấp phép nhập khẩu thuốc. Việc hạn chế này dẫn đến khan hiếm thuốc, qua nhiều tầng trung gian nâng giá lên. Một hôp thuốc viêm gan C nhập chỉ 200$ nhưng người bệnh phải mua với giá 14 triệu. Vì vậy cần bỏ quy định dẫn đến độc quyền nhập khẩu thuốc.
Về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, đại biểu Phong Lan đề nghị phải có chương riêng vì đang có nhiều khoảng trống cơ sở pháp lý trong quản lý, thực tế cho thấy nhiều bất cập từ quảng cáo, nhập nhằng với thuốc, núp bóng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đại biểu cho rằng theo dự thảo sẽ xây dựng luật riêng về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, nhưng chưa biết bao giờ mới có, tại sao đang cần sao mà không tập trung làm, nếu không kịp xây dựng chương riêng thì luật dược cũng phải có khoảng cấm về những vi phạm.
Đại biểu Phong Lan đề nghị, đã tới lúc phải nghiêm túc suy nghĩ và thiết lập mô hình tập trung quản lý hiệu quả hơn cho thuốc, thực phẩm mỹ phẩm như mô hình Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm FDA của Hoa Kỳ.
Đại biểu Bùi Văn Phương nhắc tới thực tế thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược, được nhiều y bác sĩ hỗ trợ. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không đưa thực phẩm chức năng vào quy định vì đã có luật về an toàn thực phẩm, nhưng luật này không quy định được hết , người dân thậm chí có thể mất mạng vì nhầm lẫn. Vì vậy đại biểu đề nghị đưa thực phẩm chức năng vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dược, tránh để dân vừa mất tiền vừa mang trọng bệnh thêm.