NLĐO - Hơn 1.000 công trình nước sinh hoạt đang bỏ hoang ở Tây Nguyên, trong khi người dân phải vét từng giọt nước suối để dùng.
Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, hiện có khoảng 1.000 công trình đã hư hỏng, xuống cấp, bỏ hoang.
Chưa xài đã hỏng
Từ năm 1999-2012, tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng 1.742 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để phục vụ người dân. Đến năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo đoàn liên ngành kiểm tra thì phát hiện 783 công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp hoặc không hoạt động. Trong đó, 73 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư; 710 công trình do huyện, thị xã làm chủ đầu tư.
Riêng huyện Krông Pa có 59 công trình thì 24 công trình đã không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Chị Nay H’Bia (buôn Gôm, xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa) bức xúc: “Công trình xây dựng kiểu gì mà chúng tôi chưa kịp sử dụng đã hỏng. Cả làng phải đi lấy nước ở khe suối về sinh hoạt”.
Tại tỉnh Đắk Nông, trong tổng số 230 công trình nước sinh hoạt tập trung có hơn 50% hư hỏng, ngừng hoạt động. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có 107 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 345 tỉ đồng nhưng chỉ có 25 công trình đem lại hiệu quả, 42 công trình đã ngừng hoạt động.
Tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, trong nhiều năm qua, người dân phải lội bộ gùi từng gùi nước suối cách xa hơn 2 km, trong khi công trình nước sinh hoạt hàng tỉ đồng nằm ngay khu dân cư lại “đắp chiếu”. “Thấy nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sạch khang trang, bà con phấn khởi lắm. Vậy mà công trình đưa vào sử dụng chưa đầy năm thì nước bắt đầu có màu đỏ, mùi rất tanh, không dùng được nữa nên bà con phải đi lấy nước suối về dùng” - bà H’níp Mlô (ngụ buôn Cư Kanh, xã Đắk Sin) kể.
Ông Y Tuyên Niê, Phó Phòng Dân tộc huyện Krông Búk, cho hay công trình này được xây dựng theo Chương trình 134 cho hơn 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Công trình do ban quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư với tổng kính phí gần 1,7 tỉ đồng.
Cứ đến mùa khô là cạn
Tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhiều công trình nước ở các xã Hòa Xuân, Hòa Phú, Hòa Khánh... cũng đã ngừng hoạt động nhiều năm nay. Ông Võ Hồng Hải, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Xuân, cho hay các công trình này thường xuyên hư hỏng, giá điện lại tăng nên thu không đủ bù chi. Khi máy bơm hư hỏng, không có tiền sửa chữa đành phải đóng cửa.
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư, không còn hoạt động nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắk. Tại xã vùng sâu Ea Rốk, huyện Ea Súp, một công trình nước sinh hoạt có tổng vốn đầu tư lên đến trên 7 tỉ đồng đưa vào sử dụng cuối năm 2009, nay cũng không sử dụng được, hàng trăm gia đình không có nước sạch.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai đánh giá phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp nhanh chóng và ngừng hoạt động do lựa chọn địa điểm đầu tư và phương án thiết kế chưa phù hợp, không đồng bộ, thiếu đánh giá chất lượng nguồn nước; đồng thời, các địa phương quản lý quá lỏng lẻo. Khi khảo sát vị trí, địa điểm đào giếng chưa tính toán hết các khả năng khiến cho mùa mưa có nước nhưng mùa khô thì cạn kiệt, nguồn nước bị đục, nhiễm phèn.
Trong khi đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Gia Lai lại khẳng định các công trình này sau khi xây dựng xong đều có biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, khi phát hiện hư hỏng, các địa phương không báo để có biện pháp khắc phục. Trung tâm chỉ thừa nhận là thiếu kiểm tra thường xuyên các công trình do thiếu… cán bộ.
***
Đầu tư tràn lan
Ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhận xét các công trình nước sinh hoạt tập trung không phát huy hiệu quả do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành…
Các địa phương thường giao trách nhiệm vận hành công trình cho những người không có chuyên môn. Nhiều công trình đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu điện, nước; chất lượng nước không bảo đảm hoặc phải chờ đợi vì chưa có ban quản lý, người vận hành.