Dân Trí - Đây là câu nói của ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - khi nói công tác phòng chống tham nhũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (Hội nghị chống tham nhũng) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4.3.2016.
Phát biểu tại Hội nghị chống tham nhũng, ông Nguyễn Hồng Diện, quyền Chánh thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định “Không có trường hợp nào tặng quà, nhận quà tặng trái với quy định của pháp luật.”. Tuy nhiên ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, người dân không công nhận điều này.
Nói rõ hơn về nguyên nhân, ông Đạt so sánh: “Cả nước Nga rộng như thế mà chỉ có hơn 1,2 vạn người thuộc diện kê khai tài sản, trong khi chúng ta có hơn 1 triệu người kê khai tài sản. Nhưng vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không “truy nguyên”. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra” ( bài “Đi ăn cơm 25.000 đồng nhưng “tặng nhau” phong bì hàng nghìn USD!”- Dân trí ngày 5.3).
Thực ra, điều ông Đạt nói đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận với rất nhiều ý kiến khác nhau khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng và thảo luận sửa đổi một số điều của luật này. Đó là, những ai nên thuộc diện cần kê khai để đảm bảo tính khả thi và kê khai xong thì sử dụng những bản kê khai đó như thế nào… Tất cả đã thành luật. Nhưng vấn đề là, tại sao một vị nguyên đại tá công an, nay đứng đầu Cục Chống tham nhũng như ông Đạt vẫn nhắc lại với không ít bức xúc?
Đứng đầu một đơn vị chống tham nhũng, ông Đạt thấy không ổn khi hầu hết các cơ quan, các địa phương đều báo cáo không phát hiện ra tham nhũng ở đơn vị mình. Thực tế, việc phát hiện hầu hết là do nội bộ tố cáo, khi đó các cơ quan truyền thông và lực lượng chức năng vào cuộc mới … lộ tham nhũng. Ngay tại Hội nghị chống tham nhũng này, Ông Nguyễn Quang Thái - Phó cục phó trưởng Cục Thi hành án Hà Nội – rất tự hào khi cho rằng dù thi hành án là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng nhưng nhờ “phòng là chính” nên thời gian qua Hà Nội không phát sinh trường hợp tham nhũng nào (!) …
Tổng quan hơn, ông Đạt đề nghị: Bộ Tư pháp đánh giá trong số 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng đến nay đã làm được cái gì, cái gì chưa được và làm được thì ở mức nào. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến việc sử dụng bản kê khai tài sản của các vị quan chức.
Một trong những giải pháp được cho là rất cơ bản phòng chống tham nhũng chính là việc kê khai tài sản. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên ông Phạm Trọng Đạt đặt câu hỏi “Chẳng hạn như việc kê khai tài sản nói bây giờ là hình thức, vậy tại sao ta cứ để mãi thế không sửa?”. Không dừng lại ở đó, ông Đạt nói thẳng: “vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không truy nguyên. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra. Kê khai tài sản, thu nhập phải minh bạch và quản lý được thì hãy kê khai.”
Có lẽ đây là điều rất “nóng” bấy lâu trong dư luận, chỉ có khác là, những bức xúc này được chính vị đứng đầu một lực lượng chống tham nhũng thốt lên ở một diễn đàn chống tham nhũng.
Chắc chắn một điều, nếu với những vị thuộc diện phải kê khai tài sản được công khai, dù có dấu diếm dưới nhiều hình thức, nhưng với tai mắt của nhân dân, của các lực lượng chức năng thì cái đuôi tham nhũng kiểu gì cũng lộ diện. Vậy liệu cái lý bảo vệ bí mật riêng tư cho mỗi cá nhân để không muốn công khai tài sản có thể so sánh, có đủ thuyết phục dư luận khi vấn nạn tham nhũng với các nhóm lợi ích ngày càng phức tạp và tinh vi? Tại sao ở nhiều nước tiên tiến, việc kê khai tài sản và công khai minh bạch chúng lại được thực hiện rộng rãi, lẽ nào họ không biết bảo vệ những bí mật cá nhân?
Vậy tại sao những điều mà ai cũng thấy bất cập nhưng không sớm được sửa để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn?
Phải chăng, như ông Đạt chia sẻ “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết' trước” (Vietnamnet ngày 5.3). Về vấn đề này, Dân trí từng có bài “Nguy cơ “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng”?” (ngày 30.12.2015). Đó là lời cảnh báo của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại …”