Lê Anh - Văn Đức - Quốc Huy
VNN - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có cuộc đối thoại được chờ đợi từ hơn 1 tuần nay với ngư dân Sầm Sơn.
Cuộc đối thoại liên quan tới việc ngư dân tụ tập đông trước cổng UBND tỉnh yêu cầu để lại 500m bãi biển bắt đầu lúc 8h30 sáng nay.
Biết thông tin Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến sẽ đối thoại, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân của các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và Bắc Sơn đã có mặt tại hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn.
"Người dân chúng tôi lúc nào cũng ủng hộ chủ trương của nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên doanh nghiệp phát triển được, các cấp chính quyền cũng phải quan tâm, tạo điều kiện cho người dân sinh sống", một ngư dân cho biết.
8h sáng, Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên đã chật cứng người. Hàng trăm người dân phải đứng vòng ngoài để được lắng nghe ý kiến của Bí thư.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ công an, cảnh sát có mặt để đảm bảo an ninh trật tự.
Tham gia buổi đối thoại, ngoài Bí thư Tỉnh ủy còn có Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Quyền, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Tuấn, lãnh đạo các ngành có liên quan và Ban thường vụ Thị ủy Sầm Sơn.
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã có mặt tại hội trường tiếp xúc với một số bà con nhân dân Sầm Sơn trước khi vào cuộc đối thoại chính thức.
Sầm Sơn là biển chung cho khách du lịch và nhân dân
Mở đầu, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Quyền đọc báo cáo khái quát một số dự án đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là dự án phát triển du lịch thị xã Sầm Sơn.
"Sầm Sơn là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Trước đây Sầm Sơn từ chỗ chỉ tắm được 1 mùa, nay thành 4 mùa để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nâng cao đời sống thu nhập cho ngư dân", ông Quyền nói.
Theo ông, tỉnh cũng khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư vào phát triển du lịch. Riêng dự án Khu du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, mục đích là để phát triển 3,5 km đường bờ biển. Đây là bãi tắm nổi tiếng miền Bắc và là lợi thế của Thanh Hóa, của Sầm Sơn.
Dự án sẽ cải thiện hình ảnh, cảnh quan du lịch, đưa Sầm Sơn thành khu du lịch hiện đại, chất lượng tốt.
Công trình có tổng mức đầu tư 316 tỷ, tỉnh chủ trương xã hội hóa đầu tư, theo hình thức BOT, hiện đã chọn được nhà đầu tư là FLC, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/3.
Ông Quyền nhấn mạnh: "Biển Sầm Sơn là biển chung cho cả khách du lịch và nhân dân. Không phải như cách hiểu của bà con là giao cho nhà đầu tư quản lý. Nhà đầu tư chỉ quản lý các công trình họ đầu tư.
Cùng với các hạng mục công trình dự án đang thi công, ngư dân có bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo thống kê cụ thể, trên địa bàn có 705 bè, mủng của ngư dân đang làm nghề khai thác cá biển, các bè và mảng chủ yếu có công suất 8CV, 9CV, 20CV nên sẽ không phù hợp với thông tư của Bộ Nông nghiệp.
Để sắp xếp lại nghề cá của Sầm Sơn, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân.
Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ giải bản (tháo dỡ, phá bỏ) các loại tàu, bè nhỏ công suất dưới 20CV với mức 70 triệu đồng mỗi bè, 50 triệu đồng mỗi thuyền thúng. Ngư dân phải cam kết không đóng mới bè, mủng.
Các hộ có tàu, thuyền dưới 20CV giải bản đồng thời được hỗ trợ 30kg gạo/khẩu/tháng (trong 6 tháng) để ổn định đời sống. Khi ngư dân tìm nghề mới, chính quyền sẽ hỗ trợ 12 triệu đồng mỗi hộ có bè và 8 triệu đồng mỗi hộ có mủng.
Gia đình nào giải bản trước 15/3 thì được thưởng 10 triệu đồng mỗi bè hoặc mủng.
Quyết định cũng nêu, hộ nào muốn đóng mới tàu 30CV- 400CV sẽ được hỗ trợ một lần sau đầu tư 35% giá trị đóng tàu. Mức hỗ trợ thấp nhất là 125 triệu đồng, cao nhất 250 triệu.
Hơn chục ý kiến của ngư dân Sầm Sơn đều đồng tình quan điểm đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa để lại 1km bờ biển cho cả 4 xã phường làm nơi neo đậu thuyền bè. Mỗi một xã phường ít nhất được 300-500m bờ biển.
9h10, cả hội trường nóng lên với các câu hỏi dồn dập chất vấn Bí thư Tỉnh ủy.
Một người dân có ý kiến: Nhà nước đề nghị tàu thuyền từ máy 9 (tàu 9CV - PV) trở xuống không cho đánh bắt nữa, tàu 30CV trở lên mới được đánh bắt. Tôi nghĩ gia đình nào có tiền đóng tàu lớn, nhà không có tiền đóng tàu bé "tàu to kinh chi phí tốn" "tàu bé chi phí ít" do vậy không thua kém nhau về thu nhập.
Thuyền nhỏ, thuyền thúng, khi xảy ra sóng to gió lớn thuyền bé ít gây thiệt hại về người và của hơn. Nếu không cho chúng tôi làm nghề, chúng tôi còn biết làm gì nữa?
Thứ hai, nhà tôi gần biển, chồng con ra khơi hàng ngày. Nhưng giờ nhà nước lấy bãi biển neo đậu thuyền của dân, quy hoạch cho chúng tôi ở nơi rất xa (5-10km) chúng tôi không thể đi neo đậu thuyền được. Chúng tôi tha thiết yêu cầu xin 200m làm bến đò lấy chỗ sinh sống.
Ông Vũ Như Tính, Quảng Cư nêu: Chúng tôi yêu cầu phải giữ lại nghề truyền thống của ông cha để lại. Hãy để lại bãi biển để dân sinh sống. Về mức đền bù, chúng tôi đã nghe nhưng không nhận một đồng một hào nào hết.
10.000 nhân khẩu chúng tôi sống nhờ đi biển. Tôi đề nghị chính quyền chia sẻ, giúp đỡ nhân dân.
Anh Cao Sỹ Hải, phường Trung Sơn: Ở nơi khác thì khuyến khích phát triển làng nghề, đằng này Sầm Sơn lại di dời làng nghề đi nơi khác. Mong Bí thư Tỉnh ủy giữ lại 500-1.000m để bà con ngư dân làm nghề.
Thứ hai, ngư dân có được hưởng lợi từ dự án của FLC? Tuổi trên 60, trình độ học hết lớp 4 có được nhận vào làm hay không?
Thứ ba, CSĐT đã khởi tố vụ án gây rối, mong tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh không truy tố trách nhiệm hình sự.
'Bà con nghe rõ đầu đuôi, không nên bỏ về giữa chừng'
Sau 13 phát biểu của bà con, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến chia sẻ: "Bà con miền biển hăng hái, chia sẻ đóng góp với sự phát triển của tỉnh".
Ông tóm tắt các kiến nghị:
- Về quy hoạch phát triển cho biển Sầm Sơn thì người dân đồng tình, nhưng phải chú ý tới quyền lợi của dân, lấy an sinh xã hội làm đầu.
- Để lại cho bà con ngư dân bờ biển để mưu sinh, thấp nhất 300m và cao nhất là 1.500m.
- Để lại bến thuyền dưới chân đền Độc Cước.
- Việc người dân phản đối, có dính pháp luật, mong chính quyền "giơ cao đánh khẽ".
Đông đảo bà con đồng tình với các nhóm vấn đề ông Chiến nêu.
Ông Chiến cũng đề nghị bà con nghe rõ đầu đuôi, không nên bỏ về giữa chừng.
'Giá Bí thư đối thoại sớm'
Ông cho hay, sự việc người dân phản đối mấy ngày qua trên địa bàn là đáng tiếc. "Là người đứng đầu tỉnh, bản thân tôi thấy có khuyết điểm, có lỗi với bà con ngư dân Sầm Sơn, người dân thị xã Sầm Sơn", Bí thư chia sẻ.
Ông Chiến cũng nhấn mạnh, những ngày qua, nghe nhiều thông tin hoàn toàn sai sự thật, đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, kích động người dân chưa hiểu hết nên kéo lên tỉnh, thị xã.
"Đây là hành vi vi phạm pháp luật, hạ thấp ngư dân, con người Sầm Sơn" - ông nói.
Bờ biển của đất nước ta, của người dân, trong đó có bãi biển Sầm Sơn phải được Nhà nước quản lý bằng các quy định hiện hành, đưa lợi ích của người dân là trọng. Không có chuyện tỉnh thu bờ biển giao cho doanh nghiệp nào đó, nếu như không đúng theo quy định của pháp luật.
Bí thư cũng cho hay, Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp, có tiếng, nhưng tiếc thay khai thác chưa hiệu quả. Hiện tỉnh có chủ trương nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, bờ biển phía đông đường Hồ Xuân Hương đưa Sầm Sơn thành một trong bãi biển đẹp nhất cả nước.
Tỉnh đã bỏ ra 3.300 tỷ đồng, các doanh nghiệp đầu tư 10 nghìn tỷ, biến Sầm Sơn từ du lịch 1 mùa thành du lịch 4 mùa, khách du lịch đông, giúp nâng cao đời sống bà con ngư dân.
Theo ông Chiến, quá trình nâng cấp bãi biển ở một số địa phương khác đã làm từ lâu, như Hạ Long (Quảng Ninh) cách đây 10 năm, Cửa Lò (Nghệ An) đã 7 năm.
Việc đầu tư nâng cấp bãi biển, tỉnh Thanh Hóa làm theo quy định của Nhà nước. Tỉnh đang tạo chính sách ưu đãi cho bà con ngư dân ở đây cao hơn nhiều lần so với quy định hiện nay. Tuy nhiên, do ngư dân chưa đồng tình nên chưa triển khai được.
Ông Chiến chốt lại 4 vấn đề: chủ trương của tỉnh Thanh Hóa về cải tạo bờ biển là đúng, nhưng bà con ngư dân "chưa thông".
Chủ trương có từ lâu (Trung ương có 11 năm, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có 6 năm) nhưng chính sách lại mới ban hành 1/3/2016. Do thời gian ngắn nên việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con còn nhiều khó khăn.
Không có văn bản nào quy định thời gian cụ thể bà con ngư dân phải bàn giao bến thuyền. Chỉ có văn bản hướng dẫn hỗ trợ chính sách cho bà con ngư dân.
Ông Chiến kết luận buổi đối thoại: "Nếu ai đồng ý với chính sách thì nhận tiền hỗ trợ, ai không nhận hỗ trợ thì cứ ra khơi đánh bắt cá bình thường".
Nghe xong, tất cả bà con ngư dân vui mừng, vỗ tay phấn khích. Họ cho rằng, nếu Bí thư đối thoại sớm thì đã không có gần 10 ngày kéo lên Ủy ban tỉnh.
***
Từ ngày 26/2, nhiều ngư dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn tụ tập trước UBND tỉnh Thanh Hóa phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp (FLC) khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn.
Theo các ngư dân, dự án này khiến nghề đánh bắt cá gặp nhiều khó khăn. Vì theo quy hoạch mới, lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân rất xa (10km) so với bến đỗ truyền thống.
Các ngư dân yêu cầu tỉnh bố trí vị trí bến neo đậu thuyền bè ở giáp ranh giữa xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, dài khoảng 300 - 500m.
Mời bà con đọc thêm bài này >>> Từ vụ FLC Quảng Cư, nhớ trận thua đẹp của ông Mai Văn Ninh