Dân Trí - Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội cho rằng, một số kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng nhưng Quốc hội đã có những phản ứng kịp thời, mạnh mẽ.
Theo Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội do ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII ngày càng có chất lượng, giảm dần tính hình thức, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, cùng với Chính phủ thảo luận để đề ra những giải pháp vượt qua khó khăn, bảo đảm ổn định và phát triển đất nước.
Quốc hội cũng đã xem xét thận trọng, quyết định đúng đắn các vấn đề về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, phân bổ các nguồn lực tài chính quan trọng khác như vốn trái phiếu Chính phủ, vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu.
“Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng và khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chỉ rõ mục tiêu xây dựng và xác định những vấn đề cốt yếu trong chủ trương đầu tư dự án”- ông Phúc trích dẫn.
Tuy nhiên, việc quyết định một số vấn đề quan trọng trong một số trường hợp chất lượng chưa cao; việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa bảo đảm sát thực tế. Đại biểu Quốc hội chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu, chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện để phân tích trước khi biểu quyết.
Kịp thời, mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội đã kiến nghị với Đảng, Chính phủ thông qua những quyết sách quan trọng, những đề án lớn về phát triển quan hệ của ta với các nước lớn, các nước láng giềng; hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần tích cực thực hiện các cam kết về lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và phát triển các quan hệ kinh tế song phương; đưa quan hệ hợp tác với Quốc hội các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác và các nước bạn bè truyền thống.
“Qua đó tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện các nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta như vấn đề Biển Đông, tạo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển, tăng cường hiểu biết, giảm thiểu những nhận thức sai lệch về tình hình Việt Nam, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc trong quan hệ quốc tế”- ông Phúc nói.
Đặc biệt, một số kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng. Quốc hội đã có những phản ứng kịp thời, mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc.
Theo dự thảo báo cáo, Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối các hành động vi phạm của Trung Quốc; kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Chế tài trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng không thực hiện lời hứa
Trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016), ông Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị có chế tài cụ thể đối với các đơn vị chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. “Có chế tài trách nhiệm cá nhân khi Bộ trưởng hoặc các thành viên Chính phủ không thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri”- ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, phải xác lập cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri cụ thể, rõ ràng hơn; có chế tài nếu cơ quan chức năng không trả lời, trả lời chậm các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
“Nghiên cứu quy định việc đăng tải kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trên phương tiện thông tin đại chúng. Nghiên cứu, xây dựng một mô hình tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân thông qua điện thoại để kịp thời hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Quy định rõ cơ chế phối hợp giữa cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan Thanh tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Công an trong việc tiếp công dân”- ông Phúc nêu kiến nghị.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ông Phúc cho biết cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu Quốc hội, quan tâm đúng mức việc tổ chức cho đại biểu Quốc hội tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài…
***
Đề nghị có đánh giá về Chủ tịch Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần có đánh giá về Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị dự thảo báo cáo về hoạt động của Quốc hội phải nêu câu chuyện bãi miễn 2 nữ đại biểu Quốc hội không đáp ứng được yêu cầu để từ đó có bài học kinh nghiệm cho khóa tới tốt hơn. “Hai đại biểu này đều làm doanh nghiệp, tự ứng cử, đầu vào không chặt chẽ đến khi buộc phải xử lý. Tôi tham gia mấy khóa thấy hình như khóa nào cũng có”- ông nói.