Đất Việt - Không phải ngẫu nhiên mà mới năm ngoái một quan chức JICA hỏi thẳng là chừng nào thì Việt Nam hết nhận ODA nữa.
Nói về vốn viện trợ và mức độ tiêu thụ bia rượu tại VN, chuyên gia kinh tế hàng đầu VN bà Phạm Chi Lan cho rằng VN không đáng tự hào về những con số tiêu thụ nhất khu vực. Nhất là trong bối cảnh đất nước còn quá nghèo. Bà cho biết: "Có lần trưởng JICA nói quan chức địa phương mời những chai rượu hàng nghìn đôla mà ở Nhật cũng không dám uống. Vậy Nhật Bản còn viện trợ cho VN làm gì nữa?"
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư ở Khoa Y, Đại học New South Wales, và Đại học Công nghệ Sydney cho rằng "câu hỏi đó là hiển nhiên".
PV:- Thưa ông, ông có bất ngờ trước thông tin này không? Bản thân ông đã có những kinh nghiệm nào về việc này hay chưa?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng có đọc bài trích lời tường thuật của bà Phạm Chi Lan về một quan chức người Nhật nhận xét về sự xa xỉ của quan chức Việt Nam. Thú thật, tôi không bất ngờ về cảm nhận này, vì cá nhân tôi đã từng nghe nhiều nhận xét như thế từ các đồng nghiệp và bạn bè nước ngoài.
Một chị bác sĩ làm chung viện với tôi thường tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có nhiều chiếc xe hơi đắt tiền trên đường phố chật hẹp ở Hà Nội và Sài Gòn bên cạnh những chiếc xe gắn máy. Cái giàu của một số người ở Việt Nam hình như quá nhanh so với tốc độ phát triển và mặt bằng kinh tế của cả nước, và điều đó dẫn đến nhiều câu hỏi tiêu cực.
Trong cái nhìn của người nước ngoài, Việt Nam là một nước nghèo nàn, lạc hậu, và suốt năm này sang năm khác đi xin viện trợ từ các nước giàu có. Do đó, khi họ sang thăm Việt Nam và thấy những sự xa hoa của một số quan chức Việt, họ không chỉ ngạc nhiên, mà còn cảm thấy khó chịu. Thử tưởng tượng họ phải đóng thuế cho Nhà nước ở nước họ, và Chính phủ nước họ dùng tiền đó để giúp đỡ cho Việt Nam, nhưng khi họ đến Việt Nam thì thấy quan chức ở đây ăn xài còn sang hơn quan chức nước họ, thì họ cảm thấy bất mãn là điều dễ hiểu. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà mới năm ngoái một quan chức JICA hỏi thẳng là chừng nào thì Việt Nam hết nhận ODA nữa.
PV:- Ngoài vấn đề trên, vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi phải chăng một phần tiền viện trợ đang chảy vào túi quan tham chứ không phải về đến tay người dân nghèo. Đó có phải là lý do để quan chức Việt sẵn sàng uống những chai rượu ngoại mà người Nhật không dám uống không, thưa ông?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ trong giới NGO, ai cũng nghĩ rằng tham nhũng trong các khoản tiền tài trợ cho các nước nghèo là một thực tế, cho dù bằng chứng cụ thể thì khó tìm. Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả Nathan Hobbs tường thuật những vụ tham nhũng trong 90 dự án của WB ở Phi châu. Số tiền rơi vào túi của các quan tham có thể lên đến 10-20%!
Tôi nghĩ câu chuyện bên Phi châu rất quen thuộc với tình hình ở Việt Nam. Tính từ 2000, Việt Nam đã vay hơn 8 tỉ USD từ ODA, và Việt Nam cũng là nước bị than phiền nhiều nhất (đứng thứ 2, chỉ sau Ấn Độ) về ăn chặn tài trợ và tham nhũng. Các lĩnh vực bị than phiền nhiều là giao thông vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, và cấp nước. Đã ngửa tay ăn xin mà còn tham nhũng! Chính vì thế mà VN bị khinh bỉ trên trường quốc tế.
Có lần tôi ghé qua phi trường Changi ở Singapore và lang thang trong khu bán hàng miễn thuế, tôi thấy những chai rượu rất đắt tiền (từ 5000 USD đến 15000 USD một chai). Tôi hỏi người bán hàng là mấy chai này chắc khó bán lắm, thì chị ấy trợn mắt nói rằng tuần nào cũng bán được hơn chục chai! Tôi kinh ngạc hỏi khách hàng là ai, chị ấy cho biết là "PRC". Hoá ra, PRC là Trung Quốc. Tôi hỏi thêm là có khách hàng Việt Nam không, chị mỉm cười nói có nhưng ít hơn.
PV:- Một câu chuyện tương tự, vị chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng từng chia sẻ, khi ông đi sang nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, đối tác chiêu đãi những bữa tiệc sang trọng mà ngay cả họ cũng không dùng và toàn bộ chi phí cho đoàn sẽ tính vào tiền dự án. Là người làm trong lĩnh vực khoa học, ông đã từng gặp những câu chuyện tương tự hay chưa? Ông đã phải ứng xử như thế nào trước những tình huống như vậy?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng từng nghe những câu chuyện như thế trong ngành hàng không. Chính những nhà hàng đãi các quan chức Việt Nam đi mua máy bay kể lại về sự xa xỉ của họ. Nhưng tôi chưa gặp những trường hợp như thế trong khoa học. Thật ra, trong khoa học thì nghèo hơn nhiều so với các lĩnh vực khác, và quản lí cũng chặt chẽ hơn, nên tôi nghĩ những vụ như thế hiếm xảy ra trong khoa học.
PV:- Một đồng đi vay cũng tính vào nợ công nhưng dường như vẫn tồn tại cách ứng xử như đã nói ở trên, theo ông, nguyên nhân là ở đâu? Để xảy ra tình trạng này, lỗi cá nhân theo kiểu ''cha chung không ai khóc'' nhiều hơn hay lỗi do cơ chế của chúng ta chưa nghiêm nhiều hơn? Các nước khác ứng xử với việc này như thế nào, xin ông phân tích cụ thể.
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ ngoài lí do "cha chung không ai khóc", còn có sự thiếu tự trọng của một số quan chức. Nếu các quan chức ta nhận thức được rằng nước ta vẫn còn rất nghèo và xin tài trợ từ nước khác là một nỗi nhục, thì có lẽ họ không hành xử như là những trưởng giả học làm sang. Họ có lẽ không nhận thức được rằng đối tác (bên cho tiền) rất khinh thường những thói phung phí và tham nhũng của phía nhận.
PV:- Xin cảm ơn ông!