Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

"Làm được tàu mới mà đề xuất nhập đồ cũ thì nên giải tán Tổng công ty Đường sắt"

MAI ANH

(GDVN) - "Với những hợp đồng mua bán lớn, nếu chỉ đóng vai trò trung gian thì nên giải tán Tổng công ty Đường sắt Việt Nam", ông Nguyễn Hữu Bính nói.

Đóng mới được sao không đóng?

Những ngày qua, dư luận trong nước hướng sự chú ý theo dõi thông tin liên quan đến vụ xin mua toa tàu cũ của Trung Quốc với những diễn biến mới.

Vụ việc xuất phát từ đề xuất mua hơn 160 toa tàu cũ Trung Quốc của Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, dư luận... về đề xuất trên, ông Đinh La Thăng –  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam “cách chức” Giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội.

Thực hiện “lệnh” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng thành viên bất thường, trong đó miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội của ông Nguyễn Viết Hiệp, điều ông về làm phó Trưởng ban Vận tải Đường sắt Việt Nam.

Tuy nhiên sau quyết định trên, hàng loạt vấn đề còn mập mờ xung quanh đề xuất mua toa tàu cũ Trung Quốc tiếp tục được báo chí và dư luận phanh phui. Trong đó đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trong việc phê duyệt đề xuất, chủ trương mua số toa tàu này. 

Bên cạnh đó, những vấn đề tồn tại ngành đường sắt càng bộc lộ rõ hơn khi phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Bính – nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Cung ứng thiết bị vật tư Đường sắt Việt Nam, người có hơn 35 năm công tác trong ngành đường sắt và từng ở nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Bính khẳng định: Nếu mua hơn 160 toa tàu cũ của Trung Quốc như đề xuất của Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ gây thiệt hại lớn và không hiệu quả.

Ông Bính cho biết, theo dõi thông tin trên báo chí mỗi toa tàu cũ của Trung Quốc được bán cho Việt Nam giá khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên toa tàu cũ đó không phải mua về là sử dụng ngay, mà sau khi mua phải nâng cấp, sửa chữa

Cụ thể, toa tàu cũ của Trung Quốc bán cho Việt Nam có đường kính bánh xe 0,75m, trong khi đường kính bánh xe chuẩn của đường sắt Việt Nam là 0,78m (với toa xe chở khách) và 0,84m (với toa xe chở hàng).

“Như vậy sau khi mua về phải nâng cấp cho phù hợp với đường sắt Việt Nam. Các phần nâng cấp gồm bánh xe, trục ổ bi, hộp ổ bi. Sửa chữa nâng cấp lại cũng phải lên đến 800 triệu đồng/toa. Trong khi đóng mới chỉ khoảng 1 tỷ đồng đến 1,1 tỷ đồng/toa tàu”, ông Bính cho biết.

Điều đáng nói theo ông Bính, Việt Nam hiện nay đã đóng được toa tàu chở khách. Có nghĩa hoàn toàn đóng được toa xe chở hàng, tại sao lại đi mua lại đồ cũ về nâng cấp trong khi chất lượng, giá thành không rẻ hơn bao nhiêu.

"Cái duy nhất Việt Nam chưa làm được là trục và bánh xe toa tàu, vì thế có thể đặt làm ở các nước. 

Còn chúng ta có nhà máy xe lửa tại Gia Lâm, Dĩ An, Hải Phòng... những nơi đã làm được toa xe khách nên hoàn toàn làm được toa xe chở hàng thì việc đi nhập đồ cũ về là không thể chấp nhận được. Ở đây có vấn đề, nếu không tham nhũng thì cũng là thiếu quyết tâm, thiếu ý chí làm”, ông Bính nhận xét.

“Nên giải tán Tổng công ty”

Cũng liên quan đến đề xuất mua lại toa tàu cũ của Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Bính bày tỏ, trước đây việc mua sắm thiết bị vật tư đường sắt do Công ty XNK Cung ứng thiết bị vật tư Đường sắt Việt Nam (tiền thân là Cục vật tư thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam - nơi ông Bính từng làm giám đốc) phụ trách.

Tuy nhiên hiện nay vấn đề mua sắt vật tư quản lý đường ray, toa xe… đều được giao cho đơn vị thành viên. Ông Bính cho rằng, đây chính là bất cập trong quản lý.

“Vấn đề bất cập hiện nay là thả nổi trong việc mua sắm thiết bị, ngành Đường sắt không quản mà thả nổi cho các đơn vị thành viên. Đây là sai lầm về đường lối.

Bởi với những hợp đồng mua bán lớn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đứng ra còn như hiện nay chỉ như là trung gian. Nếu chỉ đóng vai trò trung gian thì nên giải tán Tổng công ty. Giải tán vì chả làm gì, cái gì cũng phân xuống dưới hết, đến lúc trình anh, anh duyệt rồi cũng xuống dưới thực hiện. Khi xảy ra sai sót, bên dưới lại phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Như vậy, Tổng công ty để làm gì, trách nhiệm ở đâu?”, ông Bính thẳng thắn nêu quan điểm.

Đồng tình với cách làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng khi yêu cầu “cách chức” người đưa ra đề xuất mua toa tàu cũ Trung Quốc, tuy nhiên ông Bính cho rằng cần phải xem xét đến trách nhiệm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong quản lý hiện đại, chỉ quản lý đầu ra do đó phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Trong vụ mua toa tàu cũ của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không thể nói không liên quan. Nếu sai thì người đứng đầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm.