Dân Trí - Đây là câu hỏi được Giám đốc World Bank Việt Nam đặt ra cho Thủ tướng giữa bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn. Thủ tướng khẳng định, câu trả lời chính là huy động nguồn lực xã hội, và quyết định thành bại của sự nghiệp phát triển chính là nhân dân.
Doanh nghiệp Việt vẫn mong manh, yếu ớt
Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra sáng nay (5/12), đồng chủ tọa diễn đàn – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã băn khoăn đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”
Bởi theo phân tích của đại diện World Bank, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP đã cho thấy xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%.
Theo bà Kwakwa, việc tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, World Bank cũng đề nghị, nguồn vốn ODA phải được Việt Nam sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Theo đánh giá nêu tại một báo cáo được Chủ tọa VDPF công bố sáng nay thì sau 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn yếu và mong manh. Cụ thể, 97% doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đáng lo hơn là khi các doanh nghiệp tư nhân gia tăng quy mô thì lại kém hiệu quả hơn.
Nghiên cứu của World bank cho thấy, doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các doanh nghiệp có trên 300 nhân công lại thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp có dưới 100 nhân công.
Nhân dân là người quyết định thành bại của sự nghiệp phát triển
Trước những góp ý trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam không hề thỏa mãn và chủ quan với những kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua. Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng tôi nghiêm túc nhận thấy rằng, kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém, chưa đạt như mong muốn”.
Đi thẳng vào câu hỏi “lấy vốn đâu để phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng cho rằng, câu trả lời chính là việc thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường, hiện đại, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, với việc hoàn thiện kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ huy động hiệu quả nguồn lực xã hội với 92 triệu dân; 4,5 triệu đồng bào đang định cư ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn ưu tiên khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, mà cụ thể ở đây là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Chúng tôi coi nhân dân chúng tôi là người quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp phát triển. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho người dân và coi đây là nội lực của đất nước, của nền kinh tế” – Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định, theo luật Ngân sách mới, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ giữ bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%/năm. Đồng thời, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn liền với việc sử dụng hiệu quả đầu tư công.
“Việt Nam dứt khoát bảo đảm an ninh của nền tài chính quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công từ việc vay nợ cho đến sử dụng hiệu quả nợ công. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội từ bài học đổ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội từ một số quốc gia trên thế giới” - người đứng đầu Chính phủ quả quyết.
Để bảo đảm thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam cải cách để thị trường đất đai, khoáng sản dễ tiếp cận hơn, bình đẳng, công khai, minh bạch hơn và được sử dụng hiệu quả hơn. Tương tự với thị trường vốn và các loại thị trường khác.