Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Làm như Đà Nẵng!

Bài và ảnh: Hoàng Dũng

NLĐO - Câu nói “Làm như Đà Nẵng” là mong muốn của rất nhiều người dân ở các tỉnh, thành khác đối với chính quyền nơi mình sinh sống

Trong khi chính quyền TP HCM đang ráo riết tìm cách tiếp cận người dân thông qua các kênh đường dây nóng thì từ lâu, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều kênh thông tin thiết thực để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, đưa Đà Nẵng thành nơi đáng sống.

Kiên trì “đeo” dân

Ý chí trên thể hiện ngày càng cao, khi mới đây, chính quyền TP Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng internet góp ý (Gopy.danang.gov.vn) để tiếp nhận ý kiến của người dân và du khách.

Nói về quyết tâm đưa ứng dụng internet góp ý vào hoạt động, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết với trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp và việc công khai địa chỉ mail của lãnh đạo TP Đà Nẵng, thời gian qua, Đà Nẵng đã nhận được hàng chục ngàn ý kiến đóng góp từ người dân cả nước. Những ý kiến này đã giúp lãnh đạo TP có cái nhìn tổng thể về cái được và chưa được nhằm thay đổi, xây dựng Đà Nẵng ngày một phát triển hơn. Chính sự thành công của 2 kênh trên là tiền đề để lãnh đạo TP Đà Nẵng dấn thêm một bước là đưa ứng dụng internet góp ý vào hoạt động.

Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (đơn vị quản lý ứng dụng trên) có trách nhiệm nhận góp ý của người dân và chuyển các cơ quan liên quan xử lý, theo dõi, cuối cùng đưa kết quả xử lý lên ứng dụng.

“Để những phản ánh của người dân đến lãnh đạo TP được giải quyết nhanh chóng, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quy chế vận hành “Ứng dụng góp ý”, trong đó các cơ quan phải xử lý những phản ánh, góp ý trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc. Trong trường hợp các nội dung góp ý, phản ánh phức tạp hoặc liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, Trung tâm Thông tin dịch vụ công báo cáo UBND TP Đà Nẵng để chỉ đạo xử lý dứt điểm” - ông Thơ nhấn mạnh.

Trước đó, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng đã mở kênh góp ý, phản ánh (qua số điện thoại 05113 881 888, 0511 1022). Kết quả, tính từ đầu tháng 3 đến hết tháng 12-2015, đã nhận 520 lượt phản ánh, góp ý của người dân (trên 50 lượt/tháng) và đã chuyển tổ liên ngành, các cơ quan liên quan xử lý kịp thời, đồng thời có phản hồi cho người dân biết kết quả xử lý.

Nói đúng với làm

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, ứng dụng internet góp ý đã nhận được hàng ngàn ý kiến, phản ánh đóng góp của người dân và được chính quyền Đà Nẵng tiếp thu, xử lý một cách hiệu quả, đúng như những gì chính quyền cam kết.

Đơn cử, sau khi nhận ý kiến phản ánh từ người dân ở 39B khối Mân Quang, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) về xưởng cưa xẻ gỗ nơi đây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lập tức, Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng chuyển đến UBND quận Sơn Trà tiếp nhận, xử lý. Kết quả, hành vi gây ô nhiễm của cơ sở trên đã được “xử” dứt điểm, người dân vô cùng phấn khởi.

Tương tự, một lãnh đạo quận Cẩm Lệ cho hay đã chỉ đạo các ngành liên quan buộc di dời một cơ sở sản xuất và tái chế nhựa gây ô nhiễm không khí ở phường Hòa An ra khỏi khu dân cư thông qua phản ánh từ ứng dụng internet góp ý.

Mới đây nhất, nhiều người đi đường phản ánh việc khu vực gần tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai - đường Hàm Nghi mỗi khi có mưa hoặc gió lớn (như đợt gió mấy ngày gần đây), thường xảy ra gió lốc, gió xoáy gần tòa nhà. Nhiều người điều khiển xe máy đi qua loạng choạng, không ít người bị ngã. Sau khi tiếp nhận ý kiến, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng, lập tức cử cán bộ xuống hiện trường để khảo sát rồi tiến hành lắp biển báo cho phù hợp.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết nhờ có ứng dụng trên mà đơn vị đã nhận được rất nhiều góp ý thiết thực để phân luồng giao thông hợp lý. Đặc biệt, từ góp ý, phản ánh của người dân, CSGT đã tiến hành xử lý hàng loạt phương tiện giao thông bất chấp quy định. Điển hình, mới đây, người dân góp ý xe ben trọng tải lớn, xe container đang gây nguy hiểm tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Cách Mạng Tháng Tám. Các xe trên chạy quá tốc độ lấn tuyến. Từ đây, lãnh đạo phòng đã chỉ đạo các chiến sĩ tăng cường tuần tra, kiểm soát tại ngã tư này để bảo đảm an toàn cho người đi đường. Xe ben đại náo dứt hẳn, dân yên tâm.

Ông Nguyễn Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, chia sẻ nhờ những thông tin góp ý quý báu của người dân, tình trạng trộm cắp vặt đã không còn diễn ra ở các tuyến đường Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thái Bình, Tống Duy Tân do quận đã chỉ đạo công an địa phương ra quân tuần tra, kiểm soát.
***

Học từ dân...

Ngoài việc giải quyết bức xúc của dân thì nhờ những kênh thông tin mang tính tương tác cao, chính quyền TP Đà Nẵng đã có được nhiều ý tưởng hay từ dân và đưa vào vận dụng thực tế.

Đầu tiên phải kể đến hàng loạt ý tưởng của anh Lê Công Phúc (33 tuổi, trú đường Trường Chinh, Đà Nẵng) về số hóa 3D các mẫu vật, cổ vật của các bảo tàng công lập trên địa bàn TP; triển khai việc mở cửa di tích thành Điện Hải phục vụ khách du lịch ban đêm như một hoạt động trong trục văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn…, đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng có công văn gửi các sở liên quan nghiên cứu để áp dụng vào thực tế.

Mới đây, Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng đã có văn bản đề xuất UBND TP triển khai ý tưởng của ông Nguyễn Thiện (TP HCM) gửi email cho Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ hiến kế xây dựng những tuyến đường mang tên các TP nước ngoài kết nghĩa với Đà Nẵng.

Theo ý tưởng của ông Thiện, Đà Nẵng hiện đã có sự giao lưu với các thành phố nổi tiếng trên thế giới như Oakland, Pittsburgh (Mỹ), Kawasaki (Nhật Bản)... Một khu vực mới gồm nhiều con đường, mỗi con đường mang tên một TP nước ngoài sẽ tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng.