(TBKTSG) - Hơn nửa thế kỷ qua, tên gọi giới địa chủ, mặc nhiên được xem như một giai cấp gắn liền với bóc lột tá điền, cường hào ác bá, ăn chơi hưởng thụ, dốt nát hợm hĩnh, cấu kết với các thế lực thực dân phong kiến cầm quyền, chống phá cách mạng...
Ngày nay, tình thế kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đã có nhiều thay đổi, nhưng quan niệm về địa chủ dường như vẫn chưa thay đổi kịp. Có lẽ, đã đến lúc nên nhìn nhận người địa chủ như một thành phần sản xuất trong xã hội, tương tự như giới doanh nhân, chủ đầu tư, nhà tư bản, chủ tịch tập đoàn...
Địa chủ (Landowner hay landlord), gọi nôm na một chút, là người sở hữu đất đai. Nói dông dài hơn một chút, tài sản tích lũy lớn nhất của một địa chủ chính là ruộng đất mà họ tư hữu và kinh nghiệm bản thân hoặc gia đình, qua quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực để thu lợi từ thành quả canh tác nông nghiệp trên mảnh đất của họ. Đất đai có được của một địa chủ, phải là một quá trình gom tụ ít nhất hơn một thế hệ đời người.
Với định nghĩa như vậy, gia sản và công việc của người địa chủ cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi nếu so sánh với một thương gia hiện nay có tầm buôn bán xuyên vùng hoặc xuyên quốc gia, hoặc một ông chủ đang điều hành các khu sản xuất công nghiệp với quy mô hàng trăm héc ta, hàng loạt nhà máy, vài trăm chiếc xe vận tải và hàng ngàn công nhân mà hầu hết bản thân các công nhân này đều có gốc gác đâu đó là những người nông dân hoặc người dân sống vùng nông thôn, miền núi hoặc vùng ven đô.
Hơn nửa thế kỷ trước ở Việt Nam, khái niệm địa chủ rất khác xa nhau giữa miền Bắc và miền Nam. Ở vùng châu thổ sông Hồng hoặc vùng đồi núi phía Tây Bắc, trong thời kỳ cải cách ruộng đất, có thể chỉ vài sào đất đã bị quy là địa chủ bóc lột. Trong khi đó, ở vùng châu thổ sông Cửu Long, có vài ba công đất làm ruộng thì vẫn thuộc nhóm bần nông. Xưa kia vùng Nam bộ, một địa chủ phải có hàng trăm thậm chí vài ngàn héc ta là chuyện bình thường. Cách phân loại, đánh giá khác nhau đã dẫn đến việc nhìn nhận và cư xử cho từng số phận khác nhau.
Từ sau 1975, gần như từ “địa chủ” không tồn tại như một giai cấp hay một thành phần sản xuất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cả sự phân hạng trong các văn bản pháp luật hay sách giáo khoa trong các trường học. Một số từ điển tiếng Việt, danh từ địa chủ được hiểu là “người chiếm hữu nhiều ruộng đất thời phong kiến, bản thân không lao động, sống bằng bóc lột địa tô”.
Định nghĩa này không nói rõ chiếm hữu bao nhiêu diện tích ruộng đất mới gọi là nhiều, khái niệm lao động hoặc không lao động cũng rất mơ hồ, theo tư duy cũ xem lao động chỉ là công việc tay chân, không xem các hoạt động trí óc hoặc điều hành quản trị là lao động. Có thể người địa chủ ngày xưa không trực tiếp làm ruộng nhưng họ vẫn có những hình thức lao động khác như tổ chức sản xuất, chọn mùa vụ, chọn loại cây trồng, đầu tư hệ thống hạ tầng như thủy lợi, chỉnh trang đất đai.
Sự e ngại cho phép nông dân tích tụ ruộng đất để họ không trở thành địa chủ, như đã xảy ra trong một thời kỳ quá dài vừa qua, đang dần dần trở thành một rào cản cần phải tháo gỡ trong bối cảnh cạnh tranh và thách thức lớn trong thời đại hội nhập hiện nay. Xã hội nào, tầng lớp nào, nghề nghiệp nào cũng có những con người xấu - tốt khác nhau. Trong quá khứ có những địa chủ vắt kiệt lao động nông dân, thì cũng nhiều trường hợp “ông chủ đất”, “ông cả” biết thương nông dân nghèo, trọng nghĩa khinh tài, đóng góp hoặc tham gia các phong trào yêu nước, chống ngoại xâm.
Thực tế, trong mỗi thâm tâm của nhiều người nông dân Việt Nam, ai cũng muốn có sự công nhận chính thức ruộng đất mà mình đang sử dụng là tài sản riêng của chính họ, nói cách khác, đó là sự mong muốn có được quyền tư hữu đất đai. Khái niệm này không hề mới, ít nhất ở Việt Nam đã từng thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn vài ba nước không thừa nhận quyền tư hữu đất đai như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên, Lào và vài ba nước còn hiện diện của chế độ quân chủ đều coi đất đai là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể hay sở hữu nhà nước. Công dân chỉ được quyền sử dụng đất đai có định mức diện tích và thời hạn nhất định.
Chính việc xác lập này mà đất đai hiện nay ở nước ta trở nên manh mún, mỗi gia đình chỉ được sử dụng một mảnh đất mà chỉ riêng bản thân họ khó có thể đầu tư sản xuất lớn được. Nhiều mảnh đất gia đình nông dân khi con cái đã lớn lại bị chia nhỏ lẻ hơn, dần dần trở nên vụn vặt. Với một miếng đất nhỏ, người nông dân khó mà phán đoán được nông sản từng mùa họ làm ra sẽ dễ hay khó khi bán ra thị trường cạnh tranh.
Sự bất an trong nông nghiệp và nông thôn khiến nhiều nông dân trẻ chọn con đường bỏ đồng ruộng ra thành thị làm thuê cho giới chủ khác. Cho dù hiện nay, Nhà nước đang có chính sách cho phép thực hiện các “cánh đồng mẫu lớn” (nay đổi thành “cánh đồng lớn”) hoặc một số trang trại để có những diện tích canh tác rộng hơn, sản xuất nông nghiệp theo một quy trình đồng nhất hơn.
Tuy có một số “cánh đồng lớn” chứng tỏ tính hiệu quả cao so với nhiều cánh đồng nhỏ hơn, nhưng cũng khó gia tăng số lượng những cánh đồng như vậy. Vả lại, hiệu quả tài chính từ những “cánh đồng lớn” này phần lớn rơi vào tay những công ty, đại lý bán phân bón, nông dược, dịch vụ nông nghiệp, thu mua chế biến, phân phối nông sản so với thu nhập tăng thêm của nông dân.
Xu hướng tích tụ ruộng đất đang là một xu thế chung trong giai đoạn hiện nay. Nếu được sở hữu nhiều ruộng đất hơn, người nông dân biết tính toán làm ăn, cần cù sẽ dần dần trở nên những trung nông có diện tích canh tác vài chục héc ta, hay trở thành những địa chủ với các đồn điền, trang trại, cánh đồng bao la có diện tích vài ba trăm đến cả ngàn héc ta.
Với diện tích lớn như vậy, người địa chủ sẽ mạnh dạn đầu tư thủy lợi, cơ giới hóa và tối ưu hóa sản xuất theo một dây chuyền sản xuất liên hoàn từ sản xuất nông sản đến thu hoạch, chế biến, phân phối ra thị trường.
Đặc điểm của một địa chủ mới không khác nhiều đặc điểm của một doanh nhân. Họ sẽ mời các kỹ sư ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học, thủy lợi, cơ khí, kinh tế, chế biến làm thuê hoặc tư vấn cho họ.
Họ cũng sẽ biết quý trọng nông dân siêng năng cùng làm việc với mình như chính các người chủ của các công ty công nghiệp cần những công nhân thực thụ.
Người địa chủ biết tính toán chọn lựa cây trồng, vật nuôi nào cần cho thị trường và cũng không phải lo lắng lắm chuyện đua nhau “trồng - nhổ” trong tâm lý hoang mang của những người tiểu nông hiện nay. Nông dân không biết tính toán, thiếu kỹ năng, thiếu vốn, lười biếng sẽ bị đào thải dần và chuyển hóa phù hợp.
Trên thế giới, các cường quốc ổn định và giàu có từ nông nghiệp như Mỹ, Úc, New Zealand, Hà Lan, Thái Lan, Israel, Malaysia đều nhờ phần lớn vào những địa chủ của họ. Tần số các vụ xung đột về quyền lợi giữa địa chủ và nông dân ở các quốc gia này rất ít nếu so sánh giữa chủ tư bản và công nhân hay giữa chủ doanh nghiệp và nhân viên của họ.
Lo ngại người địa chủ mới có khống chế nền kinh tế, khuynh đảo chính trị hay đơn giản hơn là bóc lột tá điền có thể xảy ra hay không?
Điều này gần như không thể xảy ra được trong thể chế và bối cảnh chung hiện nay. Theo tạp chí Forbes, người giàu nhất Việt Nam có tài sản ước tính là 1,7 tỉ đô la Mỹ. Giả sử có một “địa chủ” sở hữu 1.000 héc ta ruộng đất ở ĐBSCL thì dù cố gắng làm ăn canh tác đến mức nào, tài sản của người địa chủ này khó mà vượt qua 10% giá trị tài sản của người giàu nhất hiện nay. Người thu gom đất đai để tổ chức sản xuất, để tránh bị phá sản, cũng phải cân đối một cách nghiêm túc khả năng điều hành của mình và diện tích ruộng vườn cần có.
Địa chủ hiện đại phải thực sự trở thành một “agro-businessperson”, nghĩa là một doanh nhân nông nghiệp. Với giá thành sản xuất ngày càng cao như hiện nay, nhận thức và ý thức tốt hơn, trong bối cảnh gia nhập TPP, xu thế dịch chuyển lao động ngày càng thuận lợi thì người địa chủ không thể là “bản thân không lao động, sống bằng bóc lột địa tô” được. Chính địa chủ lại thành một nhân vật chịu phụ thuộc vào người nông dân, như là một nhân tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế của họ. Họ phải tìm cách giữ chân người tá điền, lo cả về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xã hội cho người làm thuê của họ.
Trong lịch sử cận đại của thế giới, chưa có trường hợp một địa chủ nào có thể lật đổ được một chế độ cả. Ngược lại, người sở hữu nhiều ruộng đất lại rất mong sự ổn định thể chế, xã hội và kinh tế cho sự tồn tại và phát triển của họ.
Thật là thiếu công bằng khi nhà nước không giới hạn mức đầu tư và có chính sách hỗ trợ lớn trong sản xuất - kinh doanh cho doanh nhân và giới chủ công nghiệp, kể cả ưu đãi đất đai, nhưng lại kiểm soát hạn điền và quyền tư hữu ruộng đất của nông dân.
Trong khi đó những người ra chính sách vẫn còn xem từ địa chủ là xấu, là cấm kỵ. Khó khăn lớn nhất là phải có sự thay đổi tư duy của người quản lý muốn kiểm soát toàn bộ tài nguyên đất đai thay cho giao quyền tự chủ cho người dân. Có lẽ đến một lúc nào đó, các luật lệ liên quan đến quyền sở hữu đất đai sẽ được sửa đổi, danh từ địa chủ sẽ đàng hoàng được thừa nhận trong xã hội. Nói tóm lại, bây giờ trở thành một địa chủ thực thụ thì có gì sai?