Dân Trí - Lâu nay vấn đề học sinh bỏ học luôn là một nỗi lo của ngành giáo dục. Ngoài những lí do khá quen thuộc như sức học yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn hay do bị bệnh tật, chúng ta còn bắt gặp một lí do xuất phát từ con số gần 200 nghìn cử nhân hiện đang thất nghiệp.
Gần nhà tôi có cô bé nữ sinh cấp 2 vừa được gia đình “kí quyết định” cho nghỉ học. Con có sức học khá, công việc của bố mẹ ổn định. Vậy mà sau Tết, con xin nghỉ học và gia đình nhanh chóng đồng ý.
Lí do mà gia đình đưa ra là trong nhà đang có những người có bằng cấp mà không xin được việc nên chẳng muốn ép uổng con cái phải học nữa khi nó đã không còn ý chí học.
Quả thật, đó là một gia đình có bề dày về học tập khá nổi tiếng ở vùng ven thành phố này. Dì của cô bé từng là học sinh trường chuyên danh tiếng, sau khi học xong đại học đã hoàn thành luôn bằng thạc sĩ và hiện đang… học nghề may để tìm việc. Người dì thứ hai sau khi tốt nghiệp đại học thì ở nhà đợi việc mãi không được nên phải đi phụ việc này việc nọ đắp đổi qua ngày. Cậu cô bé hiện là sinh viên một trường đại học lớn và đang ôm nỗi lo ra trường chưa biết kiếm được việc làm không.
Nhìn những “tấm gương” đó, ông bà và ba mẹ con sợ con đi vào “vết xe đổ” của người thân. Và buông xuôi theo ý muốn của cô bé còn non nớt, "ăn chưa no, lo chưa tới" ấy.
Vẫn biết vấn nạn thất nghiệp đang là một gánh nặng của xã hội. Lớp cử nhân đi trước chưa giải quyết được công ăn việc làm thì lớp sinh viên mới đã tốt nghiệp, dồn ứ lại làm con số thất nghiệp luôn tăng cao. Vẫn biết lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn là một gánh nặng lớn, nhất là đối với những gia đình chẳng dư giả gì, Vẫn biết việc treo tấm bằng đại học sang một bên để học nghề này nghề nọ là một nỗi buồn héo hắt… Nhưng cái suy nghĩ ấy của những người thân cô bé có ích kỉ quá chăng?
Cô bé còn quá nhỏ để sớm rời ghế nhà trường. Với lứa tuổi ấy, sức vóc nhỏ bé ấy, suy nghĩ non nớt ấy con đã có thể làm được gì? Cho đi học nghề rồi xin việc ở một công ty may cũng cần một tấm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Cô bé chỉ mới là một nữ sinh cấp hai, con đường tìm việc của con sau khi tốt nghiệp như cậu dì con sẽ còn rất xa vời. Cuộc đời sẽ có nhiều sự đổi thay. Vấn đề là bây giờ con phải chăm học, tin tưởng vào tương lai và vun đắp cho tương lai. Sau khi rời mái trường cấp 3, sẽ có rất nhiều con đường cho con lựa chọn. Vào đại học, cao đẳng, trung cấp gì thì cũng tùy thuộc vào sức lực khi ấy của con. Hoặc là những trường nghề vẫn luôn mở rộng cánh cửa. Hoặc lúc ấy con bước vào đời với những bước chân vững vàng hơn bây giờ rất nhiều…
Tiếc cho cô bé sớm thui chột ý chí học hành bao nhiêu, tôi lại thầm trách cái tư tưởng “Vì người ta thất nghiệp đầy ra đó” của người thân cô bé bấy nhiêu. Thay vì gieo vào đầu con trẻ ý nghĩ ấy, người thân cô bé phải xác định tư tưởng học tập cho con, luôn động viên, nhắc nhở con học thì đâu có chuyện một cô bé cấp hai mạnh dạn xin gia đình cho nghỉ học?