(NLĐO) - Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) Phạm Công Danh khẳng định mình là bị hại của vụ án và bị lừa. Bị cáo mong muốn bán tài sản khắc phục hậu quả.
Trong phần tự bào chữa bổ sung vào chiều 10-1, bị cáo Phạm Công Danh đã bật khóc và trình bày nhiều vấn đề.
Bị cáo Danh cho rằng rất nhiều tình tiết trong vụ án này kết luận bị cáo sử dụng tiền cho mục đích cá nhân, chăm sóc khách hàng nhưng điều này không đúng.
“Tôi còn chạy vạy đi tìm người bán khối tài sản cá nhân của mình để lo cho Ngân hàng Xây dựng nhưng tìm không ra người để bán nên bước đường cùng, tôi mới đi vay tiền và để lại hậu quả nặng nề như ngày hôm nay” - bị cáo Danh trình bày.
Bị cáo Danh cho biết trước những khó khăn chung của ngân hàng, bị cáo chỉ có một mong muốn tột cùng là đưa ngân hàng thoát khỏi khủng hoảng nghiêm trọng. Theo bị cáo, trong suốt 3 năm, bị cáo đã bỏ tiền cá nhân để chăm sóc khách hàng bằng cách chi lãi ngoài lên 6%-7%.
“Tôi từng mong muốn xây dựng một ngân hàng nhằm phục vụ cho ngành vật liệu xây dựng thì sẽ không bao giờ có chuyện tôi lấy một đồng của ngân hàng nhằm phục vụ cá nhân hay cho Tập đoàn Thiên Thanh. Tôi mong HĐXX xem xét lại việc tôi bỏ tiền túi ra để lo cho ngân hàng” - bị cáo phân bua.
Nói đến đây, cựu chủ tịch VNCB bật khóc và khẳng định mình không chỉ đạo cấp dưới rút 5.190 tỉ đồng ra khỏi ngân hàng. Bị cáo đề nghị tòa cho bán khối tài sản ở Đà Nẵng không dưới 5.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Cuối cùng, bị cáo Danh tiếp tục khẳng định: “Tôi là bị hại của vụ án. Tôi không phải là đồng bọn của ai cả!”.
Trước đó, sau 15 ngày xét xử, sáng 10-1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã luận tội và đề nghị mức án đối với 27 bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm án trong đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).