ICT - Với việc cán mốc dân số 100 triệu người trong khoảng 10 năm nữa, thị trường nội địa của Việt Nam sẽ rất lớn.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu có thị trường trong nước rất lớn, chiếm khoảng một nửa, do đó tầm quan trọng của thị trường trong nước là rất lớn, GS.TS Đặng Lương Mô - cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - phát biểu trong buổi Gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức hôm 11/3.
Dự báo dân số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 100 triệu người trong vòng 10 năm nữa, Giáo sư Đặng Lương Mô - người có hơn 40 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản - cho biết khi đó thị trường trong nước sẽ rất lớn, là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một siêu quốc gia (supernation). Nếu không đạt được các điều kiện để trở thành siêu quốc gia trong 10-20 năm nữa, cơ hội cho Việt Nam những năm sau đó sẽ rất khó.
Khác với khái nhiệm siêu cường quốc thiên về sức mạnh quân sự, để trở thành siêu quốc gia thì một đất nước phải thỏa mãn 5 điều kiện, trong đó điều kiện đầu tiên là dân số phải trên 100 triệu người, theo Giáo sư Đặng Lương Mô. Theo GS Mô, để đạt được mốc 100 triệu người không phải điều dễ dàng, không nhiều các quốc gia trên thế giới đạt được mốc này.
“Với thị trường, với dân số trong nước 100 triệu, chúng ta có đủ sức để phát triển bất cứ thứ gì, bất cứ nền công nghiệp nào; cả về khoa học - công nghệ, cả về giáo dục...”, giáo sư Mô nói.
Điều kiện thứ hai là tự túc 100% về lương thực, điều này Việt Nam có thể làm được. Với một nước như Nhật Bản, giáo sư Mô phát biểu, chỉ có thể cung cấp 60% lương thực cho toàn dân, nên sẽ thiếu đi một điều kiện để trở thành một siêu quốc gia.
Điều kiện thứ ba là phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh. Giáo sư Mô cho rằng mặc dù còn nhiều bất cập nhưng nền giáo dục của Việt Nam phát triển tương đối tốt, nhìn chung trình độ giáo dục của người Việt là cao so với thế giới. Do đó điều kiện này Việt Nam có thể coi là đã đạt được, giáo sư Mô kết luận.
Điều kiện thứ 4, quan trọng nhất, là phải có một nền công nghiệp hoàn chỉnh. Trong nỗ lực đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, giáo sư Mô nói hy vọng Việt Nam sẽ đạt được.
Giáo sư Mô cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có dân số trẻ, trung bình 29-30 tuổi, nhưng 10 năm nữa dân số sẽ không còn trẻ nữa; 20 năm nữa quá nửa dân số sẽ già. Do đó thời gian đề Việt Nam xây dựng nền công nghiệp hoàn chỉnh chỉ còn 10-20 năm nữa. Nếu không làm được, sẽ không còn cơ hội cho Việt Nam vượt lên trên các nước thu nhập trung bình. Nếu muốn vượt lên, trở thành một nước như Hàn Quốc, Việt Nam phải làm gấp trong vòng 10 năm tới, Giáo sư Mô cho ý kiến.
Điều kiện thứ năm là chính trị ổn định, xã hội ổn định, điều này chúng ta đã có, giáo sư Mô nói.
Trước đó, trong phần phát biểu của mình giáo sư Đặng Lương Mô cho rằng trong mục tiêu phát triển công nghệ thông tin, Việt Nam nên chú tâm phát triển phần cứng, vì phần mềm hiện nay có quá nhiều nước cạnh tranh. Ngoài ra, nhằm triển khai chính phủ điện tử hay đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng thì đầu tư cho phần cứng tốn tiền hơn phần mềm, nên tập trung phát triển phần cứng là hợp lý. Ngoài ra, giáo sư Mô đề xuất nhà nước nên hỗ trợ cơ chế để ủng hộ sử dụng các sản phẩm trong nước, trong đó có phần cứng, để mở rộng quy mô thị trường nội địa.