NLĐO - Trưa 18-2, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) cho biết Chi cục Thú y TP đã xét nghiệm số thịt heo nái giả thịt bò tại cửa hàng bán thịt sạch Bính Hạnh (quận 3), với kết quả tất cả đều nhiễm vi sinh vượt mức cho phép gấp nhiều lần. Hóa chất dùng trong thịt là Metabisulfite. Đây là chất bị cấm sử dụng trong việc bảo quản, chế biến thịt.
Trước đó, ngày 3-2, Chi cục Thú y TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng quận 3 bất ngờ kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt sạch thuộc Công ty TNHH Bính Hạnh, phát hiện 2.045 kg thịt heo nái đựng trong tủ đông và bên ngoài đang được nhân viên chuẩn bị sơ chế. Theo báo chí tính toán, chỉ trong 3 tháng, chủ cửa hàng thu lợi khoảng 3,2 tỉ đồng. Quả là kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận, không thua gì buôn bán ma túy!
Một người bạn của tôi sau khi nghe thông tin này đã rất lo lắng, hoảng sợ. Vì tin tưởng vào biển hiệu thịt sạch của công ty nêu trên, chị đã thường xuyên mua sản phẩm ở đây để gia đình dùng. “Hóa ra, suốt một thời gian dài, mình đã đầu độc người thân mà không hề hay biết. Vậy còn nhiều loại thực phẩm khác được gắn mác “sạch” thì sao? Có ai kiểm tra nguồn gốc không hay cũng chỉ là những khái niệm tự xưng rỗng tuếch để lừa phỉnh người tiêu dùng và để bọn buôn bán bất lương làm giàu trên sức khỏe, tính mạng của người khác?” - chị thảng thốt.
Tôi tin không chỉ bạn mình mà rất nhiều người dân TP HCM cũng đang lo lắng, hoang mang như vậy. Không biết hành vi đầu độc của ông chủ Công ty TNHH Bính Hạnh đã tồn tại lâu chưa? Bao nhiêu người là nạn nhân? Nếu lỡ dùng thịt bẩn này một thời gian dài, sức khỏe sẽ ra sao?...
Ở TP HCM và trên cả nước hiện có rất nhiều ông, bà chủ làm ăn kiểu thất đức như Công ty TNHH Bính Hạnh. Đáng nói hơn, hành vi đầu độc cả cộng đồng đó xem ra vẫn “an toàn”. Những kẻ có hành vi tội ác này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì dường như chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn.
Đối với tội phạm mua bán ma túy, chỉ cần một lượng nhỏ là rơi vào vòng lao lý, có khi phải chịu án chung thân hoặc tử hình. Vậy mà, thực tế lâu nay, những kẻ kinh doanh lừa dối, đầu độc hàng triệu người cùng lắm cũng chỉ bị rút giấy phép sản xuất, kinh doanh, xử phạt hành chính vài chục triệu đồng. Số tiền phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận kếch xù mà họ kiếm được.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn lộng hành hiện nay, cần lắm một cơ chế kiểm tra, giám sát xuyên suốt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cơ quan chức năng; cần lắm chế tài pháp luật đủ mạnh để trừng trị thẳng tay tội ác này. Đặc biệt, cần trừng phạt nặng cán bộ nào nhận hối lộ, đút lót để ngó lơ hành vi phi pháp của những kẻ bất lương. Chỉ có như vậy mới triệt được lòng tham vô đáy của một số kẻ và người dân mới có được bữa cơm “sạch” đúng nghĩa.