Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Với người đứng đầu

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG 
(ĐẠI HỌC LUẬT TP.HCM)

TTCT - 10 năm sau ngày ban hành Luật phòng chống tham nhũng (2005), ngày 7-12 Bộ Chính trị đã phải ban hành một chỉ thị riêng (chỉ thị số 50) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 

Trong đó yêu cầu “xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Nội dung chỉ thị 50 có nhiều điểm mới so với các quy định trong Luật phòng chống tham nhũng hiện hành: đó là ràng buộc trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, nếu không chủ động có thể sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụm từ “chủ động phát hiện, xử lý” thể hiện rõ ràng ý muốn của Đảng về vai trò tiên phong và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý tham nhũng tại đơn vị mình. Một người lãnh đạo đơn vị không thể không biết tình hình tham nhũng ở đơn vị mình, nếu thật sự không có khả năng biết thì năng lực quản lý của người này là yếu, không xứng đáng ở vị trí lãnh đạo và cần được thay thế.

Rất nhiều dẫn chứng từ thực tế (được đề cập trong các đánh giá quan trọng nhất của cả hệ thống chính trị) đã chỉ ra các biểu hiện này: nhiều trường hợp người ngoài nhìn vào thấy biểu hiện tham nhũng nhưng lãnh đạo đơn vị thờ ơ, xem như không biết gì. Không ít trường hợp người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, khi tham nhũng xảy ra thì tìm cách bưng bít, ém nhẹm thông tin, bao che, chạy tội cho đàn em, cấp dưới, trù dập người tố cáo. Hậu quả là tham nhũng tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn.

Vì vậy quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật về cán bộ công chức, bởi kết quả công tác phòng chống tham nhũng cũng là thước đo đánh giá năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Điều này dẫn đến các kết luận thanh tra, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo các mức độ như trong luật quy định (yếu kém về năng lực quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bao che cho người có hành vi tham nhũng), mà còn phải bổ sung một mức độ là “chủ động hay không chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng”.

Thử nhìn vào thực tế: báo cáo của các tỉnh đều đánh giá “tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp” nhưng cũng “không tự phát hiện được tham nhũng trong nội bộ”.

Trong 10 tháng của năm 2015 chỉ có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý (4 người bị xử lý hình sự; 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang xem xét hình thức xử lý).

So với con số ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng thì việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu hoàn toàn không dễ dàng, không như kỳ vọng của những nhà lập pháp khi ban hành Luật phòng chống tham nhũng 10 năm trước đây.

Có thêm các giải pháp luôn là điều cần, nhưng cốt lõi vẫn là thực thi các giải pháp này một cách đồng bộ. Chẳng hạn khi xem xét nguồn gốc tài sản, nếu gia đình cán bộ công chức có một khoản tiền lớn, nhiều bất động sản, cần kiểm tra số tiền đã đóng thuế cho Nhà nước như thế nào.

Như vậy, phải vận hành nhịp nhàng cả một cơ chế kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập, quản lý các giao dịch về tài sản. Hệ thống đăng ký tài sản cần được hiện đại hóa để truy tìm tài sản nhanh hơn, đi kèm hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng.

Nhiều quốc gia như Hàn Quốc đã xây dựng và vận hành khá hiệu quả bộ công cụ phòng chống tham nhũng, trong đó có chứa nhiều giải pháp phù hợp điều kiện của Việt Nam. Những bộ công cụ như vậy cần được áp dụng bởi những cơ quan độc lập có thẩm quyền và liêm chính, dưới sự giám sát của toàn xã hội.

Sau cùng, cũ mà vẫn mới (vì vẫn chưa được thực hiện đầy đủ) là việc công khai các thông tin về ngân sách nhà nước để người dân nêu suy nghĩ và đánh giá về cách mà tiền thuế của họ được tiêu như thế nào, được quyết định có tiêu hay không, được kiểm tra, giám sát và cho phán quyết về hiệu quả đầu tư. Khi người dân không có tiếng nói gì đối với đầu tư, chi tiêu công, chính quyền tự làm, gây thiệt hại thì dân chịu, ấy là điều không sòng phẳng mà một thể chế lành mạnh không thể chấp nhận.