Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Nợ xấu thành nợ đẹp

Bá Tân

MTG - Ông Nguyễn Văn Giàu, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi tỏ ý nghi ngờ về con số nợ xấu giảm ở mức siêu tốc đã thốt lên: Cả thế giới phải học Việt Nam.

Báo cáo của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, khẳng định như đinh đóng cột: Nợ xấu cuối năm 2012 là 17,3%, đến thời điểm này còn 2,9%.

Tính bình quân, theo số liệu của Chính phủ, mỗi năm nợ xấu giảm hơn 4,7%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giảm ở mức siêu tốc.

Cũng tại kỳ họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), sau khi bày tỏ sự nghi vấn về nợ xấu giảm ở mức siêu tốc đã thốt lên: Cả thế giới phải học Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Giàu phản biện một cách đầy thuyết phục: “Nợ xấu cuối năm 2012 còn 17,3%, bây giờ theo báo cáo của Chính phủ chỉ còn 2,9%, như vậy là giảm quá nhanh, giảm đến mức người ta nghi ngờ”. Không dừng lại ở đó, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt câu hỏi đầy sức nặng:  “Vậy là ở đây có vấn đề, liệu có được “chế biến” hay sự thật đúng như vậy”.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra câu hỏi hóc búa nhưng rất tế nhị. Bản thân câu hỏi đã chứa lời giải đáp trong đó.

Từng là tư lệnh ngành ngân hàng nhà nước vì thế ông Nguyễn Văn Giàu dư thừa khả năng “đi guốc trong bụng” ngành này, trong đó có tình trạng nợ xấu. Nhận ra việc “giấu đầu hở đuôi” là không khó. Những người ngại va chạm và nằm trong nhóm lợi ích, cho dù biết rõ, họ thông đồng bằng cách làm ngơ. Số cán bộ như thế chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Liên tục 3 năm vừa qua, theo báo cáo của Chính phủ, bình quân nợ xấu ngân hàng giảm hơn 4,7%/năm. Đến cuối năm 2015 nợ xấu chỉ còn 2,9%. Cứ lạc quan mà tính theo chiều hướng đó (mỗi năm nợ xấu giảm hơn 4,7%) thì từ năm 2016 trở đi nợ xấu sẽ là 0%. Nợ xấu như vậy thì quá đẹp. Nợ xấu thành nợ đẹp.

Mọi quốc gia đều có nợ xấu. Mỹ, Nhật, Đức… giàu có như thế cũng chả tránh khỏi nợ xấu bởi đó là điều tất yếu xảy ra trong làm ăn kinh tế. Tuy nhiên, quốc gia nào cũng mong tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất. Nhưng không phải bằng cách biến ảo con số, làm giảm siêu tốc.

Giảm như thế chỉ có tác dụng khoái lỗ tai người nghe chứ chả tác động tích cực gì cho nền kinh tế. Ngược lại là khác.