MTG - Cuộc sống luôn tiến về phía trước, xã hội đáng lý ra phải văn minh hơn nhưng đây đó vẫn còn tàn dư của cường hào, ác bá thời xưa, nhất là tại các vùng nông thôn hiện nay.
Sau trường hợp cán bộ xã “ăn” gà và quan huyện ăn dê chính sách của dân ở Quảng Nam và Thanh Hóa, lại có chuyện xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận ép dân mua bò già. Ông phó chủ tịch xã Nhơn Sơn móc nối với đầu nậu, đặt hàng 20 con bò, giá 20 triệu đồng/con rồi phân phối cho dân. Bò thì toàn già và ốm đói, viêm loét, dân nói chỉ 15-16 triệu đồng/con thôi nhưng 37 hộ nghèo người Raglai ai cũng phải nhận, nếu không thì bị cắt chế độ thụ hưởng chính sách chuyển đổi nghề của Chính phủ. Nhiều người nhận bò đã già, “chuyển đổi nghề” cái nỗi gì? Bò thì quá già, nguy cơ chết cao, nhận bò tức là ôm cục nợ. Hội Nông dân xã nhiều lần lên tiếng phản đối, đều bị gạt phăng.
Trước đó, cũng tại tỉnh Ninh Thuận, chính quyền xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước buộc 55 hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải nhận bò mà xã đã đặt mua sẵn. Dân phản ứng nhưng không thắng được ý xã.
Bất hạnh hơn là trường hợp “không được chết” của bà Nguyễn Thị Lê ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Hôm 9.11, bà Lê qua đời, gia đình bà báo cho chính quyền địa phương biết để làm giấy chứng tử, phát loa truyền thanh thông báo, đồng thời hỏi mượn xe tang, kèn trống… Tuy nhiên, trường hợp của bà Lê không được giải quyết như đối với người địa phương khác vì bà còn nợ thuế đất nông nghiệp, đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… tổng cộng hơn 1,7 triệu đồng.
Chết không cho chết, còn sống thì bị bắt chết, đó là trường hợp 4 hộ dân ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Họ bị lập giấy chứng tử chỉ vì lý do ngân hàng cho vay áp dụng chính sách xóa nợ với những trường hợp mất tích, qua đời. Thế là xã khai tử…
Việt Nam có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn. Đó cũng là vùng nghèo nhất, cư dân cơ cực nhất. Nhà nước đã có nhiều chương trình phát triển nông thôn, như tam nông, mới nhất là nông thôn mới. Thế nhưng, ánh sáng nông thôn mới chưa đủ sức soi rọi đến quá nhiều góc tối thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành. Những nơi ấy có quá nhiều câu chuyện cười ra nước mắt bắt nguồn từ sự vô cảm của chính quyền cơ sở. Bao nhiêu chủ trương, chính sách tốt đẹp của nhà nước được giao cho đội ngũ cán bộ vừa kém tài vừa thất đức thực thi thì không trở nên méo mó mới lạ (!)