Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng để làm gì!?

Trung Hội - Thanh Hiếu 
Nguồn: Năng lượng Mới

Câu hỏi này còn đang bỏ ngỏ, chờ các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng vào cuộc kiểm tra và kết luận. Tuy nhiên, dư luận ở Đà Nẵng đang hết sức lo ngại về thực trạng này.

Dư luận thực sự nóng lên khi ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn thông báo với báo chí, chỉ riêng quận này đã có 71 cá nhân là người Việt Nam đứng tên mua 138 lô đất cho người Trung Quốc!

Xác minh chuyện này, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu cho hay, chắc chắn chưa dừng ở con số ấy. Hiện nay sở này đang thống kê, nên chưa có số liệu chính xác.

Bây giờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; đặc biệt là khu vực kề sân bay Nước  Mặn, ra đường là “gặp người Trung Quốc”. Tại đây đã mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc làm chủ. Nhìn bảng, biển họ trưng lên, rồi qua giao tiếp, nơi đây chẳng khác gì “phố” của người Trung Quốc!

Nếu lấy mốc giới là khu resort, giải trí casino cao cấp Silver Shores - cũng của người Trung Quốc, kéo ra hai bên và phía đối diện, thì ở khu vực này có lẽ người Trung Quốc đang ở và hoạt động đông đảo gấp nhiều lần người nước ngoài khác. Vì vậy gọi đây là “phố” Trung Quốc chẳng sai chút nào.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại của mình về thực trạng này. Biết chuyện người Trung Quốc “núp bóng” để gom đất ở khu vực nhạy cảm; nhưng rất khó ngăn chặn bởi việc mua bán do người Việt đứng tên, họ mua đất hợp pháp đúng quy trình, quy hoạch; không chỉ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, nếu không muốn nói là họ “gương mẫu” chấp hành và thực thi các nghĩa vụ hết sức nhanh chóng và đúng luật.

Có thể nói, hiện nay người nước ngoài cư trú ở địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có mật độ đông nhất so với các quận, huyện trên thành phố; đặc biệt là người Trung Quốc đến đây ngày một tăng. Họ đã từng thuê nhà dân để mở khách sạn; và khách sạn này nhận khách duy nhất chỉ có người Trung Quốc, bề ngoài thì họ kinh doanh bình thường, đúng luật, đúng quy định, nhưng bên trong họ đang làm gì thì…chỉ một mình họ biết!

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, cho biết: Trên địa bàn phường hiện nay đang có 11 gia đình cho 43 người Trung Quốc thuê nhà ở. Đã có 8 trường hợp người Trung Quốc kết hôn với phụ nữ trên địa bàn; tất nhiên đây là những trường hợp kết hôn hợp pháp, nghĩa là đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp thành phố. Hỏi ông có trường hợp nào “kết hôn chui” không, thì ông bảo không nắm được. Ông Nghĩa cũng cho hay, thời cao điểm nhất trên địa bàn có tới 3.000 người Trung Quốc cư trú dưới các hình thức đi du lịch và “công tác”.

Việc mua bán đất tại quận Ngũ Hành Sơn gần đây có những dấu hiệu hết sức bất thường và đáng ngờ. Bất thường và đáng ngờ ở chỗ, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên mua đất theo kiểu “thu gom”. Xin được điểm ra đây những “đại gia đất”, đấy là các doanh nghiệp và cá nhân gồm: Công ty TNHH Du lịch & Dịch vụ V.N Holiday; chẳng hiểu trụ sở doanh nghiệp này ở đâu và họ mua làm gì đến nhiều đất như vậy, số đất họ mua có tới 24 hồ sơ (24 thửa) và diện tích lên đến trên 4.670m2.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Diệp Phúc Lợi, mua tới 16 thửa đất; trong đó 13 thửa đã giao đất, với diện tích trên 2.294m2. Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Hoàng Gia Trung mua 11 thửa. Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Silverk Park mua 4 thửa. Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng mua 10 thửa. Công ty TNHH  Silver Sea Triệu Nghiệp mua 7 thửa và Công ty TNHH Du lịch & Dịch vụ Golden Wynn mua 3 thửa, với xấp xỉ 1.000m2.

Nhiều cá nhân, theo lãnh đạo và nhân dân địa phương nhận xét, họ cũng là người lao động bình thường; bao đời nay cha, ông họ cũng là dân lao động, không “của ăn, của để”. Vậy mà bây giờ họ bỗng dưng “giàu có” một cách bất bình thường, có tiền mua đến hàng chục lô đất “biệt thự” liền kề. Điển hình như trường hợp ông Lý Phước Cang, mua tới 12 lô đất xấp xỉ 2.000m2, được cho là “đất vàng”, giá trị chưa biết là bao nhiêu tỉ đồng!?

Có trường hợp, trước đây chỉ là chân  đội trưởng đội bảo vệ của Silver Shores như ông Trác Ngọc Phúc, mà có lượng tiền “khủng” mua tới 10 lô đất biệt thự. Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch phường Khuê Mỹ đặt câu hỏi: Tiền đâu ra nhiều như vậy? nhưng bản thân ông cũng… chịu không lý giải và không trả lời được.

Còn nhiều và rất nhiều cá nhân “đổ tiền” mua từ “hai, ba” đến “năm, bảy” thửa đất biệt thự ở khu vực này cũng không phải là người giàu có ở địa phương. Có thể nói: Việc mua đất ở khu vực nhạy cảm này diễn ra trong thời gian qua là bất bình thường và hết sức đáng ngờ.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông ông Tăng Hà Vinh, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn. Ông Vinh cho hay: “Tất cả các trường hợp mua đất trên đều đúng quy định của pháp luật, đều là người Việt Nam. Còn thông tin người Trung Quốc “đứng phía sau”, theo ông Vinh là thông tin hành lang, chưa có cơ sở để xác minh mối liên hệ này”.

Cứ cho là như vậy, nhưng việc phát ngôn của ông Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn với báo chí về việc người Trung Quốc “núp bóng”, để “gom” đất không phải là chuyện “nói chơi”. Và nhìn vào những gì người Trung Quốc đang thực hiện tại đây, thì phát ngôn của người đứng đầu quận Ngũ Hành Sơn là hoàn toàn chính xác.

Thôi thì, quá trình xét duyệt cho các tập thể, cá nhân trên mua đất; nói như ông Vinh là đúng luật. Nhưng theo cảm quan cũng phải nhận ra sự “bất thường” của việc mua bán này chứ. Chỉ lạ và đáng đặt câu hỏi là: Việc tập thể, cá nhân “gom” hàng chục lô đất có bất thường không? Nếu cho là không “bất thường” thì có lẽ vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng của địa phương là hết sức mờ nhạt, nếu không muốn nói tắc trách.

Xin được nhắc lại, tất cả các thửa đất trên trong quy hoạch là vệt biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn, nghĩa là để bán cho người từ “bậc trung lưu” trở lên xây dựng nhà ở. Đây hoàn toàn không phải quy hoạch khu du lịch, nghỉ dưỡng; lại càng không phải quy hoạch để mở công ty. Vậy với cách “thu gom” như một số công ty, cá nhân đã mua hoàn toàn ngoài mục đích xây dựng nhà ở!

 Chính ông Vinh cũng thừa nhận Việc mua đất này là hết sức nhạy cảm, nhưng vẫn nhắc lại hoàn toàn làm đúng pháp luật. Chúng tôi không bảo là sai luật. Nhưng mình “là chủ”, là “người bán”. Có bán hay không; bán cho ai, bán như thế nào, cần phải cân nhắc kỹ. Không nên đặt nặng mục đích “thu ngân sách”, mà quên đi những lợi ích khác lớn lao hơn, hệ trọng hơn, mà không thể tiền bạc nào mua bán được; đấy là an ninh, quốc phòng, là lợi ích quốc gia.

Trong Quyết định số 47 năm 2012 của UBND TP Đà Nẵng “Về ban hành quy định quản lý kiến trúc công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” có quy định rõ, đối với quận Ngũ Hành Sơn “chủ sử dụng đất có nhu cầu xây dựng trên khu đất từ 2 lô liền kề trở lên thì phải được Sở Xây dựng xem xét phương án kiến trúc từng trường hợp cụ thể trước khi thực hiện các bước xây dựng cơ bản tiếp theo”. Nghĩa là việc nhập thửa ở khu vực này sẽ phải có sự đồng ý của Sở Xây dựng.

Quy định này là chặt chẽ, là chế tài khống chế những việc làm trái. Nhưng sẽ tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn; đặc biệt là an ninh, quốc phòng được giữ vững, thì rất cần sự chặt chẽ ngay từ đầu. Với kiểu bán đất “thả gà ra để đuổi” như ở đây, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác.

Có lý luận cho rằng, người Trung Quốc dù có “núp bóng” người Việt để mua đất cũng không quá lo ngại; bởi theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài chưa được phép mua đất tại Việt Nam. Dù họ có “lách luật”, họ có bơm tiền để một số người Việt Nam hám lợi làm “tay trong” cho họ, thì đất ấy vẫn của Việt Nam!

Nhầm, rất nhầm, nếu không muốn nói là ấu trĩ. Việc người Trung Quốc bơm tiền để “gom” đất là có ý đồ, có chiến lược hẳn hoi; chỉ một chữ ký thôi thì không chỉ trăm mảnh đất, mà có hàng ngàn mảnh đất đứng tên người Việt chăng nữa cũng thành của người Trung Quốc ngay tức khắc.

Ông Nguyễn Điểu nêu ví dụ: Tôi đưa cho anh 2 tỉ đồng để anh mua một lô đất ở khu vực ven biển. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh. Sau đó, tôi và anh phối hợp thành lập một công ty cổ phần có tổng số vốn khoảng 22 tỉ. Anh góp cổ phần bằng chính lô đất trên để công ty xây khách sạn, nhà hàng. Trong tổng số vốn 22 tỉ đồng, tôi góp 20 tỉ đương nhiên sẽ làm chủ tịch HĐQT;  tức là có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên đương nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Hợp lý chưa! Quá hợp lý.

Ông Điểu cho biết, vừa rồi đích thân ông đã bỏ thời gian rà soát những công ty cổ phần xin phép thành lập trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong thời gian vừa qua và đã phát hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp có người Việt Nam đứng tên chung với người Trung Quốc; tại các doanh nghiệp này hầu như  cổ phần của người Trung Quốc hơn người Việt Nam gấp nhiều lần. Một cách “thôn tính” đất đai hết sức nhẹ nhàng và đúng luật!?

Đặt vấn đề, không cho phép nhập thửa để xây nhà cao tầng, nghe có lý và chặt chẽ. Nhưng khi có đất trong tay, họ xây hàng loạt khách sạn liền kề theo quy định. Thưa, cả khu vực mênh mông ấy chứa được cả nghìn người. Và là “đất của họ”, bên trong họ làm gì, ai quản lý được. Nói bán đất theo kiểu “thả gà ra mà đuổi” là như vậy; nói sự tham mưu mờ nhạt và tắc trách của cơ quan tham mưu là ở đấy.

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch phường Khuê Mỹ, trong buổi nói chuyện với chúng tôi đã dẫn ra nhiều câu chuyện người Trung Quốc có những dấu hiệu gây mất ổn định trên địa bàn. Vụ việc người đàn ông Trung Quốc bị bắn vào ngày 26/11, tại số nhà 184/22 đường Nguyễn Duy Hiệu là một ví dụ. Dù rằng chưa có kết luận cuối cùng, nhưng người đàn ông Trung Quốc này đã có thời gian làm “du lịch chui” và đã từng bị phạt và trục xuất; giờ lại sang đây “lấy vợ chui”.

Ông cho hay, trong dịp phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng biển nước ta. Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn cũng “nóng mặt” lắm. Chính quyền đã lường trước sự việc; ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động bà con thể hiện lòng yêu nước, tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng tinh thần chấp hành pháp luật, không gây hấn với người Trung Quốc. Bên cạnh đó tăng cường lực lượng ở những tụ điểm, nhất là nhà hàng, khách sạn có nhiều người Trung Quốc để sẵn sàng ngăn chặn nếu có hành vi quá khích xảy ra.

Ông bảo, mình làm hết trách nhiệm như vậy, nhưng người Trung Quốc thì không, dường như họ cố tình “chọc giận” người bản xứ; tại các quán nhậu, mấy người Trung Quốc chủ động gây ồn ào, họ nói rất to, thi thoảng chêm một vài câu tiếng Việt “lơ lớ”. Không chỉ vậy; trước đây, khi họ làm đơn xây dựng các khách sạn, chẳng thiếu gì tên để đặt, họ nằng nặc xin đặt tên bằng con số, mà cộng lại đầu là “Chín điểm”. Mới nghe thì thấy tức cười, nhưng ngẫm ngợi mới thấy rằng thâm, hàm ý của tên gọi này liên quan đến đường “lưỡi bò” mà họ tự khoanh vùng trên Biển Đông. Mình không cho thì họ kiến nghị và lý luận: Luật không cấm đặt tên như vậy! Không được đồng ý, họ lại kiến nghị xin đặt tên là khách sạn là: 18;  xây tiếp khách sạn thứ hai lại xin tên là: 36; xây nhà hàng xin đặt là: 333…. Nói tóm lại; ý của họ, tất cả cộng vào đều là con số 9, trùng với đường “lưỡi bò” 9 đoạn ở Biển Đông.

Ba cái chuyện người Trung Quốc xin đặt tên khách sạn như vậy; có người bảo “tào phào”, nhưng không hề “tào phào” chút nào, có ý đồ, có chủ đích hẳn hoi. Nghe chuyện này nhiều người dân ở đây bảo, dù được chấp nhận hay không, họ không quan tâm. Cái quan tâm của họ là xem “thái độ” của chính quyền và nhân dân địa phương ra sao mà thôi.

Nói, người Trung Quốc có nhiều hành động “đáng ngờ” cũng không sai và càng không oan. Cách đây không lâu có 64 trường hợp người Trung Quốc bị phạt hành chính và yêu cầu rời khỏi Đà Nẵng, vì lý do “lao động chui”. Đây là những người làm visa du lịch rồi tự ý ở lại, không đăng ký với nhà chức trách địa phương. Một cán bộ ở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA 72) Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, lâu nay mình đã hướng dẫn hết rồi, “ông” muốn bao nhiêu người làm việc, thời gian bao lâu thì phải trình bày, phải đăng ký đầy đủ. Mình hướng dẫn thế mà họ không làm. Họ cứ cố tình vi phạm; mà đã vi phạm thì phải xử lý, phải phạt và “mời” họ ra khỏi địa bàn, ra khỏi đất nước thôi.

Theo báo cáo mới đây, hiện có khoảng 450 lao động nước ngoài (350 lao động Trung Quốc) đang làm việc ở 10 dự án ven biển Đà Nẵng. Song theo một số nguồn tin không chính thức, thì số lượng người Trung Quốc còn cao hơn nhiều. Chỉ trong năm 2015, quận Ngũ Hành Sơn đã xử lý 11 vụ việc liên quan tới người nước ngoài vi phạm an ninh trật tự, trong đó có một số vụ liên quan đến tai nạn, lừa đảo. Nổi bật nhất là vụ nhóm người Trung Quốc lừa đảo chiếm đoạt 20.000USD rồi cao chạy xa bay.

Vẫn đồng chí cán bộ này cho hay, quan điểm của chính quyền thành phố: Công an và các cơ quan chức năng hạn chế việc xuất hiện làm công tác kiểm tra ở các resort, khách sạn của người nước ngoài nói chung, người Trung Quốc nói riêng. Đến nhiều dễ gây ra phản cảm. Mình tôn trọng họ là vậy; nhưng ngược lại họ lại thiếu tôn trọng mình, không làm tròn trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định. Ví dụ Luật tạm trú quy định, anh vào khách sạn phải khai báo tạm trú với địa phương; nhưng nhiều “ông” không khai, mà không khai là vi phạm. Vi phạm một lần thì nhắc nhở, ai cố tình mới phải xử lý. Và những trường hợp công an phải xử lý là những trường hợp không đành.

Có thể nói, việc quản lý lao động chui là người Trung Quốc hiện nay là rất khó. Đã có nhiều trường hợp lao động chui là “nhân viên” rửa chén bát ở các quán ăn người Hoa. Bình thường thì đố ai phát hiện ra, chỉ khi “có chuyện” mới biết đấy là lao động chui. Năm 2012, tại lò mổ Đà Sơn, có trường hợp 6 người Trung Quốc làm việc chui ở đây. Họ đến lò mổ từ 3 giờ sáng, chỉ làm mỗi nhiệm vụ là thu gom, rồi súc những đoạn ruột già của gia súc, gia cầm mà lò mổ bỏ đi, rồi đóng gói vận chuyển đi đâu không rõ. Chỉ đến khi có tin báo, cơ quan chức năng của thành phố mới biết kiểm tra và xử phạt hành chính…

Trở lại việc người Trung Quốc “núp bóng” người Việt để “gom” đất ở những khu vực nhạy cảm, có ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng thủ bờ biển, liên quan đến an ninh, quốc phòng, như chúng tôi đã phân tích ở trên. Đây là việc hết sức nguy hiểm. Đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng  phải thường xuyên kiểm tra và có biện pháp phù hợp, xử lý đúng quy định pháp luật. Đồng thời cần sớm rà soát ngay về quy hoạch, bố trí đất đai tại khu vực ven biển để có biện pháp quản lý tốt hơn.

Mọi sự chậm trễ, mọi suy nghĩ chủ quan, mọi sự “du di” trong công tác quản lý, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Chúng ta mở cửa, nhưng không thể “thả cửa” để họ tự tung, tự tác