Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Quyền im lặng ‘triệt’ bức cung, nhục hình

(PL)- Áp dụng quyền im lặng theo BLTTHS 2015 sẽ hạn chế tối đa nạn bức cung, nhục hình, giảm thiểu oan sai.

Một nội dung của BLTTHS 2015 (mà Quốc hội vừa thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) nhận được nhiều quan tâm là quyền im lặng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo - tương ứng với các điều 58, 59, 60 và 61. Theo đó, luật quy định ngoài các quyền khác thì người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Công cụ để bảo vệ nghi can

Quá trình thảo luận tại Quốc hội cũng có ý kiến lo ngại nếu quy định quyền im lặng sẽ làm bó tay CQĐT, nghi can sẽ lạm dụng quyền này để kéo dài việc chứng minh tội phạm...

Tuy nhiên, TS Phan Anh Tuấn (giảng viên khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng không phải lo việc này, vì nếu nghi can lạm dụng quyền im lặng chưa chắc đã có lợi cho họ. TS Tuấn phân tích: “Một nghi can thực hiện một hành vi có dấu hiệu phạm tội A nhưng cơ quan tố tụng lại quy kết cho họ tội B có hình phạt nặng hơn. Lúc đó nghi can “thực hiện” quyền im lặng lại là hại chính mình”. Vì thế trong nhiều trường hợp, khai báo chính xác cũng là một biện pháp bảo vệ mình, gỡ tội cho chính mình. Do vậy, luật mới quy định im lặng là một quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo chứ không phải nghĩa vụ. Từ đó, các chủ thể này phải biết sử dụng sao cho hợp lý để nó thành công cụ bảo vệ mình.

Theo TS Tuấn, quyền này cũng không ảnh hưởng gì đến CQĐT vì BLTTHS hiện hành cũng như BLTTHS 2015 đều quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm là của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. Nghi can có quyền không nói nhưng nếu thu thập đủ các chứng cứ một cách hợp pháp thì họ vẫn bị buộc tội theo đúng luật. Cạnh đó, luật cũng quy định lời khai của bị can, bị cáo chỉ là một trong các chứng cứ, nó không có giá trị là chứng cứ duy nhất buộc tội họ. “Nói chung, quyền này không cản trở gì cho cơ quan tố tụng mà lại bảo vệ được cho người vô tội” - TS Tuấn nói.

Cơ quan điều tra cũng hưởng lợi

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Luận (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Đừng hiểu máy móc quyền im lặng nghĩa là không nói gì mà vẫn được hưởng lợi. Nó chỉ có giá trị với người bị oan, còn nếu hành vi phạm tội thực sự thì vẫn bị kết tội bình thường. Cho nên ngoài việc giải thích cho nghi can anh có quyền im lặng thì người tiến hành tố tụng cũng cần khuyến khích họ khai báo nếu những lời khai đó là đúng sự thật, thành khẩn, vì nó là tình tiết giảm nhẹ” - luật sư Luận nói.

Ngoài ra, một người hoàn toàn không liên quan gì đến hành vi phạm tội thì họ cũng sẽ trình bày chứ chẳng dại gì im lặng. Còn đối với trường hợp bị nghi là có tội và cơ quan tố tụng ép họ phải nhận tội hoặc khai báo nhiều thứ, thậm chí phải lộ cả bí mật đời tư để chứng minh là mình vô tội thì không được.

“Thực hiện tốt quyền này không những không cản trở mà nó còn giúp CQĐT không phải mang tiếng bị nghi ngờ về chuyện bức cung, nhục hình. Thực tế có nhiều vụ không có dấu hiệu bức cung, nhục hình nhưng ra tòa bị cáo cứ “đổ vấy” cho điều tra viên. Như vậy, quyền im lặng đã mang lại lợi ích kép cho cả hai phía chứ không riêng gì nghi can” - luật sư Luận đánh giá.

Đảm bảo quyền con người theo Hiến pháp 2013

Trong báo cáo với Quốc hội trước khi thông qua BLTTHS 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định rõ hơn quyền khai báo, trình bày ý kiến của người bị buộc tội như trên là cần thiết. Nó hoàn toàn phù hợp với nội dung của điểm g khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia.

Một kiểm sát viên thuộc VKSND TP.HCM cho rằng tình trạng bức cung, dùng nhục hình sẽ được khắc phục, giảm thiểu tối đa khi áp dụng nghiêm túc quyền im lặng. Bởi nghi can không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

“Khi cơ quan công an đã không có cơ sở ép nghi can buộc phải khai thì sẽ không có chuyện ép cung. Nếu điều tra viên dùng nhục hình để ép buộc nghi can khai sai sự thật thì bản cung đó sẽ không được tòa chấp nhận và buộc phải làm lại. Khi nghi can sử dụng quyền này thì CQĐT phải đi chứng minh họ phạm tội bằng chứng cứ chứ không thể chỉ bằng lời cung hoặc mớm cung, bức cung, dùng nhục hình. Như vậy, mục đích muốn điều tra phá án nhanh bằng biện pháp có chủ đích đã không được thỏa mãn. Đó là ý nghĩa của quyền im lặng trong việc chống bức cung, nhục hình, tiền đề dẫn đến oan sai. Nó cũng là tiền đề quan trọng để thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng” - vị kiểm sát viên này phân tích.

Luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) thì cho rằng thực hiện tốt quyền im lặng còn đảm bảo quyền bào chữa, suy đoán vô tội theo Điều 31 Hiến pháp 2013. “Quyền im lặng chính là nội dung cụ thể hóa quyền được tự bảo vệ của công dân. Một nghi can bị bắt trong lúc mất bình tĩnh và bị sốc về tinh thần thì hoàn toàn có thể khai báo những điều bất lợi theo “gợi ý” của công an. Họ cần có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc và cần có người trợ giúp pháp lý để tránh tình trạng tự đưa mình vào tình thế bất lợi, tự buộc tội chính mình” - luật sư Thiện nói.

THANH TÙNG
***

Nguồn gốc của quyền im lặng

Lịch sử về quyền im lặng khởi nguồn từ Hiến pháp 1788 của Mỹ. Lúc đầu, nó chỉ là nguyên tắc để thành lập liên bang, sao cho liên bang đủ mạnh mà đảm bảo tự do nhất định của các bang. Nghĩa là một bang không bị số đông các bang và Quốc hội, chính phủ, hay tổng thống liên bang áp đặt vô lý. Từ đó dẫn đến bổ sung về quyền con người, bảo vệ quyền cá nhân mỗi người tránh sự áp đặt của số đông. Từ đó, quyền im lặng được manh nha.

Sau này, quyền im lặng được gắn với tên gọi là cảnh báo Miranda (hay quyền Miranda). Năm 1963, Esnesto Miranda bị bắt vì tội bắt cóc và cưỡng dâm. Ông nhận lỗi nhưng không được báo về quyền im lặng, quyền có luật sư nên khi xét xử, công tố viên tạo chứng cớ từ lời nhận tội của ông và ông bị kết án. Sau đó, Tối cao pháp viện giải tội cho ông vì lý do ông không biết các quyền của mình và quyền có luật sư. Sau này, với chứng cớ xác thực Miranda mới bị bỏ tù.

Từ đó, cảnh báo Miranda được áp dụng cho nghi phạm hay còn gọi là “quyền im lặng”. Đó là động tác ban đầu tối thiểu của CQĐT để tránh những rắc rối oan sai sau này cho cả hai phía. Luật Tố tụng hình sự Mỹ hiện nay quy định rõ: Cảnh sát phải giải thích cho người bị bắt và thực thi việc đương sự có quyền im lặng cho đến khi mời luật sư.

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

(Trích Điều 31 Hiến pháp 2013)