Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Từ “Lai cái mặt kênh kiệu" đến oan cây cầu

Trương Khắc Trà

(GDVN) - Là nhà nước của dân, do dân vì dân tại sao có nơi không khuyến khích người dân nói lên tâm tư nguyện vọng của chính họ?

Những tai họa, mà phải nói là tai họa khó tin xuất hiện thời gian qua với tần suất ngày càng dày khiến dư luận hết bất ngờ đến bực bội và nóng nảy đó là những cái phạt… trên trời rơi xuống!

Bắt đầu bằng vụ “cái mặt kênh kiệu” như tờ Người đô thị Online đã giật tít ngắn gọn “Lai mặt quan, oan bạc triệu” và mới đây là việc một giáo viên ở Long An đăng dòng trạng thái kêu cứu về cây cầu bị sập khiến đồng nghiệp của cô té xuống kênh suýt chết…trong đó có đoạn “…thực chất chúng tôi không cần trải thảm nhung để đi nhưng chúng tôi cần sự an toàn”.

Nếu báo chí không vào cuộc kịp thời có lẽ cô giáo sẽ “ăn” ngay biên bản kỷ luật hạ bậc thi đua đảng viên từ “hoàn thành tốt nhiệm vụ” xuống “hoàn thành nhiệm vụ” vì những lý do không giống ai. Công lý đã được đòi lại bằng lời xin lỗi của địa phương với cô giáo Âu, nhưng đằng sau sự kiện này có quá nhiều điều để nghĩ và ngẫm.

Nội dung dòng trạng thái cô giáo đăng lên chẳng có một câu một từ nào là vi phạm và sai trái với chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước, phải chăng việc kêu cứu trách nhiệm của chính quyền địa phương là sai?

Dòng trạng thái đó chỉ đơn thuần là bày tỏ ý kiến cá nhân về sự việc cụ thể là cây cầu hư hỏng gây ảnh hưởng đến đời sống và cô cũng cảnh báo rằng trước đây đã có đồng nghiệp tử vong vì cầu hỏng, rõ ràng nội dung cô giáo đăng cũng bình thường như hằng ngày báo chí phản ánh tình hình thực tế đời sống.

Vậy nên, cần khẳng định ngay rằng, cá nhân người có thẩm quyền xử lý kỷ luật cô giáo đăng lời kêu cứu chưa bao giờ đọc và biết đến các quy định về xử lý kỷ luật đảng viên! Cái bản án mà Đảng ủy xã đưa ra là hoàn toàn cảm tính nếu không muốn nói…thích là phạt!

Ở đây cần đặt một dấu hỏi lớn về trình độ cán bộ tự cho mình quyền là cha là mẹ của dân, ở những chức vụ như vậy, chẳng lẽ họ không biết hay cố tình không biết những điều đảng viên không được làm.

Không ít người tự hỏi rằng, quyền tự do ngôn luận tối thiểu lại xa xỉ vậy sao? Xã hội đang đầy rẫy và ngộ độc với những cá nhân cúi luồn, xu nịnh, cản trở đi đến công bằng, dân chủ, văn minh, vậy sao lại đè đầu cưỡi cổ những tiếng nói phản biện tích cực từ người dân.

Phải chăng ai đó cảm thấy “nhột” khi một sự việc không được tốt như trong bản báo cáo thành tích cuối năm bị phơi bày ra giữa bàn dân thiên hạ.

Cô giáo kêu cứu chính quyền thì bị kỷ luật nhưng nếu không may có ai đó chết vì cầu hỏng liệu chính quyền có ai bị kỷ luật không? Ai là người sẽ trả lời câu hỏi này cho người dân được nghe và được biết?

Không bao giờ có đường lối chủ trương nào lại kỳ quái như vậy, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, điều 2 ghi “ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân vì dân” và điều 25 ghi “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin…”.

Là nhà nước của dân, do dân vì dân nên khuyến khích người dân nói lên tâm tư nguyện vọng của chính họ, bản chất nhà nước là phục vụ dân, cán bộ là công bộc của dân, tại sao lại có người ngang nhiên vi hiến như vậy?.

Thời thuộc địa thực dân Pháp thực hiện chính sách “ngu dân” để trị hệ quả khiến dân tộc lâm vào cảnh điêu linh, trình độ dân trí tụt hậu quá xa so với thế giới biến thành một thứ tai họa mà Bác Hồ gọi là “giặc dốt”.

Khuyến khích để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đó là cái phúc của đất nước, sẽ thật tai họa nếu xã hội ngày càng ít dần đi những tiếng nói phản biện, người dân vô tâm với tình hình địa phương, đất nước vì những án phạt như cổ nhân đúc kết “họa vô đơn chí”.

Xã hội sẽ đi đến đâu nếu chẳng ai muốn nói và chẳng ai dám đối diện với cái xấu, cái ác vì sau những án phạt kiểu trời ơi đất hỡi không ít người sẽ “run tay” khi dùng mạng xã hội, các nhà báo sẽ chùn tay khi viết và người dân sợ “méo miệng” khi nói.

Vụ “Lai mặt quan, oan bạc triệu” rồi việc kêu cứu chính quyền của cô giáo Âu cũng đã qua đi, công lý tuy mong manh nhưng đã được bảo vệ, cái ác, cái xấu, cái phi lý bị lên án phê phán. 

Chẳng ai chắc chắn rằng trong tương lai sẽ không còn những cái phạt oan thấu trời như vậy, nhưng hy vọng rằng các bậc công bộc của dân hãy nhìn bức tượng vị thần công lý, luôn giương cao chiếc cân và hạ thấp thanh gươm.

Thiết nghĩ niềm tin của dân chúng với Đảng và nhà nước là điều kiện quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới, đừng để niềm tin quý giá đó rơi rụng dần bởi những cán bộ kém năng lực, phẩm chất và không biết luật, thiếu thiện chí với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.