MTG - Phát triển khá mạnh tại Việt Nam nhưng kinh tế vỉa hè lại chưa được chú trọng, đôi khi còn bị đánh giá thấp. Thực tế cho thấy, đây là một phần quan trọng của nền kinh tế phi chính thức, góp phần không hề nhỏ trong sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Một phần quan trọng của nền kinh tế phi chính thức
Một số nghiên cứu cho thấy, kinh tế vỉa hè cung ứng 30% việc làm và đáp ứng khoảng 30% nhu cầu ăn uống của TP.HCM. Con số này có thể sẽ tăng lên nếu hoạt động thương mại, buôn bán, dịch vụ ăn uống ở vỉa hè thành phố được sắp xếp lại, quản lý một cách có chất lượng nhằm thu hút hơn nữa lượng khách, đặc biệt là du khách. Kinh tế vỉa hè được xem là một phần quan trọng của nền kinh tế phi chính thức.
Thế nên, mới có câu nói vui rằng, anh nhà hàng không nên khinh thường bà bán hủ tiếu dạo, vì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Đó đơn thuần chỉ là một cách nói dí dỏm, hài hước, nhưng thực chất lại chứng minh cho việc không nên xem nhẹ nền kinh tế vỉa hè.
Thực tế và những con số thống kê trên cho thấy, một điều rõ ràng rằng, kinh tế vỉa hè đang đóng góp một phần đáng kể cho nền kinh tế chung của đất nước. Không chỉ vậy, nó còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, đồng thời chính việc buôn bán, kinh doanh, thương mại nơi vỉa hè đã tạo thành một nét văn hóa độc đáo của đô thị Việt. Thành phần kinh tế phi chính thức này được xem là đặc trưng riêng của Việt Nam, mặc dù các nước khác cũng có nhưng không nhiều và nổi trội như ở nước ta.
Mới đây, kinh tế vỉa hè một lần nữa trở thành vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận trong Hội thảo Khoa học về quản lý quy hoạch kiến trúc TP.HCM. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu mang tính định hướng chuyên sâu về phát triển nền kinh tế này.
Loay hoay chuyện quản lý
Rất nhiều cá nhân, gia đình tham gia buôn bán, kinh doanh tại các vỉa hè ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải mang tên “Chiến dịch dẹp kinh tế vỉa hè”. Kinh tế vỉa hè đôi khi đang làm “đau đầu” các nhà quản lý. Cách đây mấy năm, nhiều khía cạnh thuộc vấn đề này cũng từng được đưa ra “mổ xẻ”, nhưng có lẽ mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.
Thực tế, chuyện kinh doanh nơi vỉa hè vẫn cứ quản lý theo kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”, bởi cấm không ra cấm, mà cho phép thì cũng chưa rõ ràng. Đôi khi, hai “doanh nghiệp vỉa hè” nằm ngay cạnh nhau, nhưng một anh thì bị trật tự phường xua đuổi, còn một anh thì nghiễm nhiên làm ăn, chẳng sợ đụng chạm ai. Câu hỏi đặt ra là tại sao không tổ chức cho người dân buôn bán trong một chừng mực nhất định thay vì các “chiến dịch” dẹp buôn bán vỉa hè, lòng đường? Trong khi đó, lại có ý kiến cho rằng, chính quyền các thành phố lớn quyết dẹp “kinh tế vỉa hè”, thực chất chỉ là dẹp người bán hàng rong, những lao động nghèo.
Chứng tỏ, việc quản lý còn hết sức lỏng lẻo, kinh tế vỉa hè chưa thực sự được coi trọng, trong khi nó đang đóng góp một phần không nhỏ vào GDP mỗi năm. Thực tế cho thấy, trong khi nhiều chợ, trung tâm thương mại ế ẩm thì các hoạt động mua bán ở vỉa hè vẫn diễn ra sôi động. Chưa bàn tới vấn đề về mỹ quan đô thị, môi trường sống, nhưng rõ ràng kinh tế vỉa hè đang được xem như “nền kinh tế mặt tiền” (theo như cách nói của ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia về cải cách hành chính), “vỉa hè TP.HCM nhìn chung không phải là chỗ cho người đi bộ mà là nơi để mưu sinh”.
Chia sẻ với DDVN về vấn đề này, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm cho biết: “Kinh tế vỉa hè thực chất là hoạt động buôn bán nhỏ, không thể thiếu được trong một nền kinh tế. Gần như ở hầu hết các quốc gia đều hình thành nền kinh tế vỉa hè. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa các nước vì trình độ phát triển không giống nhau. Ở Việt Nam, kinh tế vỉa hè phát triển khá mạnh, do đặc thù là lao động giá rẻ, việc làm còn thiếu, thành phần người già, trẻ em, người không có việc làm chiếm số lượng lớn. Thế nên, buôn bán, kinh doanh nơi vỉa hè là một cách để họ tồn tại với cuộc sống”.
Cũng theo TS. Kiêm, “kinh tế vỉa hè có vị trí rất quan trọng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho mọi đối tượng, ổn định xã hội. Việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè ở đâu cũng có quy định, nhất là nhằm giải quyết vấn đề về mỹ quan thành phố, an ninh trật tự.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc quy định này chưa rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch nên người thực hiện, chấp hành không nghiêm túc, còn tùy tiện. Người quản lý nhiều khi còn làm theo cảm tính, chưa đúng pháp luật. Sự không rõ ràng ở cả hai phía khiến cho hoạt động kinh tế vỉa hè còn nhiều lộn xộn. Không nên cấm lĩnh vực kinh tế này, cái quan trọng là phải quản lý được để hoạt động mua bán, thương mại diễn ra một cách trật tự theo quy định chung, có văn minh, văn hóa”.