Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Tại sao uống cà phê bằng dĩa?

LÊ VĂN NGHĨA

(PL) - Người Sài Gòn, nói đúng hơn là trong Chợ Lớn, buổi sáng ngồi trong “tiệm nước” ăn tô hủ tíu, cái bánh bao hay dào cháo quảy thường uống một ly cà phê.

Cà phê trong các tiệm nước được pha bằng cái vợt đen thùi lùi (có người gọi là cà phê vớ, cà phê bít tất đều là nó), đổ vào siêu sắc thuốc - mà vợt càng đen thì cà phê càng ngon vì đã thấm tất cả tinh chất cà phê vào thớ vải. Cái vợt này chỉ được giặt bằng nước lạnh, không được dùng xà bông để giặt vì sẽ làm mất mùi, chất cà phê (bạn cứ thử để gói cà phê bên cạnh gói xà bông giặt rồi sẽ biết). Khi có khách gọi cà phê, người bán sẽ rót cà phê đen, cà phê sữa, cà phê nhiều sữa (bạc xỉu) nóng từ cái siêu sắc thuốc vào cái ly “xây chừng” - một loại ly thủy tinh nhỏ, không quai, rồi bưng ra cho khách.

Người khách, đa phần là dân lao động: chạy xích lô, thợ hồ, thợ mộc…, đôi lúc cũng có cả những thầy chú, thầy giáo - nói chung là những người buổi sáng không có thời gian nhiều để ngồi “tám” như bây giờ. Mà ai có thể “tám” khi nhiều người xa lạ cùng ngồi trên ghế đẩu, không lưng dựa chung quanh cái bàn tròn, như bàn ăn tiệc cưới ngày nay trong không gian ồn ào đủ thứ âm thanh và mùi chen lẫn. Vì vậy những tiệm nước ở các quận 5, 6, 11 thời năm 1970 đố ai tìm ra được bóng dáng cái phin cà phê. Dân lao động không có thời gian để ngồi đếm từng “giọt thời gian rơi trên đáy cốc”. Họ ăn sáng, uống cà phê như là một cách nạp năng lượng cho một ngày làm việc cực nhọc. Ăn hủ tíu, bánh bao là để no bụng, có chất bổ. Uống cà phê để tỉnh ngủ. Cà phê đối với họ chỉ là chất làm cho tỉnh ngủ! Uống riết trở thành ghiền hồi nào không hay. Bởi vậy, buổi sáng trong tiệm nước, đa số thực khách “ăn hủ tíu, xíu mại, uống cà phê”.

Họ thường hay rót cà phê vào dĩa, rồi thổi phù phù, xong đưa lên mũi hít hít rồi húp cái rột, le lưỡi liếm mép, chép chép cái miệng như những tay uống rượu vang sành điệu ngày nay. Bây giờ, hậu sinh chúng ta thường hay thắc mắc tại sao họ có thói quen húp cà phê trên dĩa.

Sau nhiều lần “thực nghiệm”, tôi tạm tìm ra câu trả lời này: Họ không có thời gian chờ cà phê nguội và họ không thể cầm ly cà phê nóng, không quai trên tay, đưa ly lên miệng chiêu từng ngụm cà phê nóng. Có ai thấy họ uống cà phê đá trên dĩa bao giờ, đơn giản là cà phê đá lạnh ngắt, có thể cầm trên tay và đưa vào miệng uống cái rột. Uống lè lẹ để còn đi “mần ăn” nữa chứ.

Tất nhiên, cũng có những thành phần thực khách vào tiệm nước uống cà phê không bằng dĩa. Họ nhẩn nha chờ cho ly cà phê nguội dần, để có thể cầm trên tay. Đây là những người thuộc loại nhàn nhã, có công việc mà họ không phải lệ thuộc vào ai. Cũng có thể là thực khách của những buổi sáng Chủ nhật, ngày lễ mà thời gian không là vấn đề cấp bách. Uống từng ngụm cà phê để nói chuyện hàng xóm, thời cuộc, cơm áo hằng ngày.

Thói quen uống cà phê dĩa bây giờ đã mất đi vì Sài Gòn đã có cà phê mang đi, cà phê “take away”, đổ vào ly giấy nhựa, mang đi thật tiện dụng. Cũng có thể là trong các tiệm nước không còn uống cà phê bằng ly “xây chừng” nữa mà là ly, tách có quai hẳn hoi. Uống cà phê dĩa như uống thời gian không được chậm. Uống cà phê dĩa như đối diện mặt phẳng của một đời sống đầy sóng ngầm. Uống cà phê dĩa như một triết lý sống của người lao động trong một cuộc sống chưa vui, chưa đầy đủ của một kiếp người chen chúc. Ôi chao, sao tôi suy nghĩ nhiều quá vậy, chắc gì đã đúng. Thôi thì các bậc tao nhân cà phê dĩa, chén, ly thủy tinh, ly nhựa, tách sành sứ cùng nhau “tám” thử chuyện này xem.

Nhưng trước hết bạn phải pha cà phê bằng vợt, rót vào cái siêu, rồi rót cà phê từ cái siêu vào ly “xây chừng”, như vậy bạn mới là người có đủ “tư cách” uống cà phê dĩa! Mà nhớ nhé, uống cà phê dĩa không được uống với người đẹp hoặc với khách mời vì nó không được điệu đàng chút nào đâu!