Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Hoàng hôn nhiệm kỳ

VÕ VĂN THÀNH

TT - Hai chữ "hoàng hôn" tưởng như gợi lên những buổi chiều tà êm ả. Nhưng chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến không êm ả chút nào khi ông đanh thép nêu về thời điểm nhạy cảm được gọi tên “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Đó là thời điểm nhạy cảm, diễn ra tình trạng một số quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”.

Cách đây chưa lâu, dư luận bức xúc hết lần này, lượt khác về vụ ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm nhân sự vào “phút 89” của nguyên tổng thanh tra Trần Văn Truyền, rồi vụ một vị nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ hai tuần trước khi nghỉ hưu, và một số vụ việc tương tự khác.

Không chỉ ban phát chức vụ cho người ngoài, dư luận cũng đã cảnh báo hiện tượng “lót ổ” cho chính mình.

Nhiều người còn nhớ bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng khi về hưu đã tham gia vào ban lãnh đạo doanh nghiệp làm hầm Đèo Cả - dự án mà khi đương chức thì quyết định của bộ trưởng Dũng là căn cứ pháp lý để triển khai.

Vấn đề là, sau những bức xúc của dư luận, sau những phát biểu tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội và chuyên gia, liệu hiện tượng “sống gấp” của một số quan chức trước khi rời ghế có được ngăn chặn, đẩy lùi?

Nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm bịt đường ai đó muốn tăng tốc tham nhũng cuối nhiệm kỳ, đơn cử như cấm ký quyết định trong lĩnh vực nhân sự và dự án trước khi nghỉ hưu trong một thời hạn nhất định.

Tuy nhiên đến nay, quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến vấn đề này vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể. Và ngay cả những chế tài kiểu như “phê bình” đối với một cán bộ về hưu thì ai cũng thấy rằng không đủ sức răn đe.

Một lần nữa, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đang diễn ra. Buổi “hoàng hôn” này liệu sẽ êm ả hay tái hiện một số cơn sóng ngầm vơ vét, ban phát?

Nếu quy định pháp luật chưa được bổ sung kịp thời, chế tài chưa đủ mạnh mẽ thì câu trả lời không khó dự đoán.

Ai đó dám tay nhúng chàm vào buổi "hoàng hôn" là vì họ nghĩ sẽ “hạ cánh an toàn”. Bên cạnh những biện pháp đã có, cần bổ sung quy định để ràng buộc trách nhiệm suốt đời một cách chặt chẽ, cụ thể hơn đối với một người cán bộ, công chức.

Phải để cho những người muốn tăng tốc tham nhũng, tiêu cực trước khi nghỉ hưu biết rằng nếu không từ bỏ lòng tham, họ sẽ hạ cánh vào "vùng thời tiết xấu" trong buổi "hoàng hôn cuộc đời".