(TN&MT) - Thời gian gần đây, Đà Nẵng liên tiếp phát hiện hàng loạt các vụ việc sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, lạm quyền tại TP. Đà Nẵng. Lỗ hổng trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và thất thoát tiền của Nhà nước.
Lạm quyền, qua mặt lãnh đạo
Người dân Đà Nẵng vẫn chưa hết bức xúc sau vụ việc ông Nguyễn Ngôn, nguyên Trưởng Ban quản lý các dự án tái định cư Đà Nẵng lạm quyền cấp đất vượt thẩm quyền, trong đó có việc tự cấp cho vợ hai lô đất trị giá hàng chục tỷ đồng thì mới đây Thanh tra Đà Nẵng lại phát hiện tình trạng “lạm quyền” tại Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng trong việc hỗ trợ giảm tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Theo đó, Thanh tra Đà Nẵng xác định số tiền sai phạm là trên 557 triệu đồng. Cụ thể, trong thời gian ông Nguyễn Đình Thống làm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng đã tự ý ký hỗ trợ lãi suất giảm 10% tiền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Sài Gòn). Lô đất trên có diện tích khoảng 12.000-13.000 m2, nằm tại khu vực núi Sơn Trà (quận Sơn Trà). Công ty Sài Gòn tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở và được ông Thống tự ý ký giảm 10% tiền sử dụng đất trong tổng số 5 tỉ đồng phải nộp. Hành động trên của ông Thống là trái với quy định của UBND TP. Đà Nẵng và “qua mặt” chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Trao đổi với Báo Tài nguyên & Môi trường về việc này, ông Nguyễn Chí Thức - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng cho hay: “Hiện chúng tôi chưa nhận được kết luận của Thanh tra Đà Nẵng. Sau khi nhận được kết luận chính thức, chúng tôi sẽ giải trình với thành phố”.
Liên quan đến vấn đề này, Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn khẳng định không có trường hợp nào được áp dụng hỗ trợ lãi suất giảm 10% tiền sử dụng đất như đối với Công ty Sài Gòn mà Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng cho là tương tự..
Ông Sơn cũng cho biết thêm, dự án trước được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho giảm 10% chỉ có diện tích khoảng 2.000 m2. Việc Chủ tịch TP quyết định giảm 10% là thuộc thẩm quyền, còn một ông Giám đốc trung tâm dịch vụ tự ý ký cho giảm là không đúng. Giám đốc một trung tâm dịch vụ đi làm thay việc của Chủ tịch UBND TP là không được.
Hệ lụy khôn lường
Sự việc đến nay vẫn chưa có hồi kết, tuy nhiên, những sai phạm trong quản lý đất đai tại Đà Nẵng cho thấy, nguyên nhân xuất phát từ cán bộ các ban quản lý, ban giải tỏa đền bù thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tùy tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền ở nhiều trường hợp. Những lỗ hổng trong quản lý đất đai, khiến người dân giảm sút lòng tin với chính quyền, để lại nhiều hệ lụy khôn lường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay lãnh đạo Đà Nẵng đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát lại tất cả các trường hợp cấp đất có dấu hiệu sai quy định. Hiện Đà Nẵng cũng chỉ đạo rà soát một số văn bản, dừng triển khai để sửa đổi theo đúng quy định của pháp luật. Riêng trường hợp này, thành phố sẽ có chỉ đạo sát sao và buộc phải có giải trình trước công chúng. Nếu sai phạm sẽ kiên quyết xử lý đúng quy định, dù người sai phạm là ai.
Trở lại vụ ông Nguyễn Ngôn lạm quyền cấp đất vượt thẩm quyền, sự việc chỉ được phát hiện trong quá trình rà soát đất tái định cư. Qua quá trình rà soát, UBND TP. Đà Nẵng đã phát hiện các ban quản lý để “lọt sổ” 14.500 lô đất. Đến tháng 4/2015, thành phố cho rà soát lần nữa thì phát hiện thêm 3.000 lô đất. Việc “giấu đất” này kéo theo hàng năm thành phố phải chi hàng chục tỷ đồng cho các hộ chờ đất tái định cư đi thuê nhà ở, như năm 2013 là 18 tỷ đồng, năm 2014 là 18,2 tỷ đồng. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến UBND TP. Đà Nẵng phải chi trả hàng tỷ đồng cho các hộ dân để người dân thuê chỗ trọ ở, ổn định cuộc sống trong khi chờ bố trí.
Theo thống kê, 70% các vụ kiện tụng tại Việt Nam liên quan đến đất đai, và nhiều vụ tranh chấp, gây mất ổn định an ninh xã hội cũng bắt nguồn từ lý do này. Có thể nói, hệ thống quản lý đất đai tốt sẽ là một chìa khóa tháo gỡ những bất ổn xã hội hiện nay. Đã đến lúc các cấp, các ngành liên quan tại Đà Nẵng cần có những biện pháp quyết liệt sớm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên này.