Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Ăn bám để sống, sống để ăn bám!

XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Cánh “ăn bám” không chỉ xem ăn bám là phương tiện mà còn là lý tưởng: ăn bám để sống, sống để ăn bám, phấn đấu để ăn bám, chết cũng để được “bám”!

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Cần sớm loại bỏ công chức ăn bám, nói thì hay làm thì dở", [1] có đoạn: 

“Cần nhất thể hóa những chức danh ở các cơ quan của Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức trong các tổ chức đoàn thể, nhân dân, xã hội thì cần phải tách ra khỏi biên chế công chức của nhà nước, vừa bớt được biên chế của nhà nước, vừa tạo điều kiện tinh giản biên chế công chức để sắp xếp lại bộ máy, thu hút nhân tài”.

Bài trên báo Đảng mới chỉ nói đến “công chức ăn bám” song ngay trong lời văn trích dẫn nêu trên còn ẩn chứa hàm ý, rằng lực lượng “ăn bám” không chỉ là loại “công chức nói thì hay làm thì dở” mà còn cả những người mà dân gian gọi là “ăn theo, nói leo”.

Trên thế giới không biết có có nước nào mà ngân sách nhà nước lại phải đài thọ cho hoạt động của các “tổ chức đoàn thể, nhân dân, xã hội” đến mức tờ báo - Cơ quan trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam phải kiến nghị cán bộ, công chức trong các cơ quan này cần “tách ra khỏi biên chế công chức của nhà nước”?.

Đài Tiếng nói Việt Nam thì kêu gọi: “Loại bỏ cán bộ ăn bám mới có điều kiện trả lương cho cán bộ tâm huyết”. [2] 

Vậy là đến thời điểm này, ngoài “bầy sâu tham nhũng” còn lộ diện “bầy sâu ăn bám”. Người dân đã biết "sâu ăn bám" này lâu lắm rồi, tiếc rằng nói chẳng ai nghe. 

May mà khi “hoàng hôn nhiệm kỳ buông xuống” bên cạnh một số phát biểu vui vẻ của vài vị cấp bộ thì cũng còn những lời tâm huyết mạnh dạn cất lên giữa hội trường Diên Hồng.

Điều đáng tiếc là hiện nay, vũ khí sắc bén vạch mặt chỉ tên ăn bám, tham nhũng là truyền thông lại rơi vào tình trạng mà ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét là: “sợ viết sai, nói sai, sợ bị định kiến, sợ đụng chạm, sợ bị đánh giá, bị quy chụp quan điểm” dẫn đến “không tìm hiểu, không nghiên cứu, không viết, không phản ánh”. [3]

Báo Infonet.vn [4] gần đây đăng trao đổi của nhà báo Hải Châu với ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng (phụ trách mảng lao động – việc làm). 

Trả lời câu hỏi của nhà báo, nhiều lần ông An nói “tôi không quan tâm”, thậm chí khi nhà báo đề cập chuyện “giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam”, ông An còn trả lời: “chuyện "Hải Dương Hải diếc" tôi không quan tâm. Quan tâm chi cái chuyện Hải Dương của họ”? 

Cứ tưởng Đà Nẵng được xếp hạng nhất toàn quốc về chỉ số cải cách hành chính (Par Index), năm 2014 thành phố này được đánh giá là đạt  92,54% thì lãnh đạo Đà Nẵng phải có nhiều điểm nổi trội hơn nơi khác, sao lại xảy ra nhiều chuyện khiến người dân không dám tin là sự thật?

Cũng vẫn ở Đà Nẵng, chuyện lái xe được đi nước ngoài để “xúc tiến thương mại, du lịch” tận châu Phi, châu Mỹ còn đang khiến dư luận bán tín bán nghi về “tâm” của “quan” thì nay lại đến chuyện “quan” và “tâm” của ông Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn An.

Là “quan” của Đà Nẵng mà ông không để “tâm” đến giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc thì ông dành “tâm” của mình cho cái gì? 

“Quan” mà như ông Phó Giám đốc Nguyễn Văn An, không cần biết đến cái "Hải Dương Hải diếc" ngay phía biển ngoài khơi Đà Nẵng thì liệu có tốn cơm của dân không? 

Có phải là kẻ “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa” (như phát biểu của thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ) để ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo không? 

Người viết nhận được bức thư sau đây của một bạn trẻ Đà Nẵng, hy vọng bài viết và bức thư sẽ được ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư Đà Nẵng đọc, cũng hy vọng ông sẽ mạnh dạn loại bỏ những kẻ ăn bám, sâu mọt hại dân hại nước khỏi bộ máy chính quyền thành phố, để Đà Nẵng xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước mà trước hết là của người dân, cán bộ chiến sĩ thành phố quê hương ông. 

Người viết cũng hy vọng Thành ủy, UBND Đà Nẵng sẽ công khai cách thức xử lý những vấn đề mà người dân thành phố và truyền thông cả nước mong được biết.

“Kính gửi: Bác Xuân Dương!

Bác ơi, trong cháu hiện nay, Trung Quốc ép buộc nhân viên người Việt mình phải đi tìm các khách sạn loại nhỏ, để họ thuê hết (thuê để chúng họ quản lý luôn). Họ nói thuê để kinh doanh, Luật không cấm nhưng cháu thấy có cái gì đó không ổn...

Cháu rất mong bác và Báo Giáo dục lưu ý, có bài viết để đánh động... Đảo Lý Sơn suýt chút nữa còn giao cho Trung Quốc làm quy hoạch, nếu không có báo lên tiếng thì giờ thế nào đây bác?.

Kính chúc bác sức khỏe.”

Chuyện về ông Phó Giám đốc sở của Đà Nẵng chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất. Những cán bộ “không biết, không nghe, không thấy, không quan tâm”, những người “chỉ mới nghe báo chí nói vậy” còn chúng tôi “sẽ kiểm tra, sẽ xin ý kiến cấp trên, sẽ…sẽ ” hiện diện hàng ngày trên “mọi nẻo đường đất nước” tồn tại để làm gì?

Báo chí, các nhà lý luận đã điểm danh nhiều nhóm lợi ích, chẳng hạn “nhóm lợi ích tư bản thân hữu”, “nhóm lợi ích ngân hàng”, “nhóm lợi ích bất động sản”… 

Người viết cho rằng còn một nhóm lợi ích khác đang được chỉ mặt, vạch tên là “nhóm lợi ích ăn bám”. Có thể tìm thấy “ăn bám” nơi đôi chân trần của người nông dân, nơi đôi vai gầy của người gồng gánh, và cả ở những chốn quyền quí, cao sang. 

Những kẻ “ăn bám” không chỉ xem ăn bám là phương tiện mà còn là lý tưởng: ăn bám để sống, sống để ăn bám, phấn đấu để ăn bám, chết cũng để được “bám”!

Vậy đâu là nét đặc trưng của “nhóm lợi ích ăn bám”?

Thứ nhất, bám vào bất cứ đối tượng nào có thể bám, kẻ ăn bám không trừ bất kỳ ai, từ người tàn tật, trẻ cô đơn, mẹ Việt Nam anh hùng, nông dân nghèo,…, chỉ cần có thể bám vào kiếm lợi là họ xúm vào kể cả khi người ta đã gần đất xa trời.

Thứ hai, ăn bất kỳ thứ gì có thể ăn, từ gạo, mỳ tôm, bò, dê, giống cây trồng, phân bón, đến đất cát, xăng dầu…, thậm chí họ ăn” cả quy trình, chủ trương, nghị quyết.

Không phải ngẫu nhiên khi bị phanh phui, nhiều đối tượng không đưa trả tiền bạc đã “thó” được của dân, của công quỹ mà lại chìa ra quy trình, chủ trương, nghị quyết, xem đó là thứ họ đã “trót lấy” để làm của riêng. 

Thứ ba, không giấu diếm, không ngại ngùng khi thể hiện “tài năng” ăn bám của mình. 

Tại Nha Trang, Khánh Hòa, cựu Giám đốc công ty môi trường đô thị Lương Khánh Thuận lương tháng 105 triệu đồng, nghĩa là hơn 1 tỷ đồng một năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân của công nhân lao động trong công ty cao nhất chỉ 7,7 triệu một tháng. Tại TP.Hồ Chí Minh, có thời Giám đốc công ty thoát nước nhận lương 2,6 tỷ đồng một năm.

Chủ tịch TP.Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Quân phải thốt lên: "Mấy ông làm ăn giỏi vậy thì cần gì đến ngân sách. Rõ ràng là bớt lương công nhân để làm giàu lãnh đạo”.

Thứ tư, “tập hợp lực lượng ăn bám”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhận xét: “Trong bộ máy nhà nước đúng là chúng ta đang trả lương cho một bộ phận không làm được tích sự gì, nuôi “báo cô” nhưng đồng thời chúng ta cũng có tội với những người làm được việc”. [5] 

Đang có ý kiến xóa nợ cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Xóa nợ tức là lấy thuế của dân, của doanh nghiệp khác bù đắp cho những doanh nghiệp không biết làm ăn, cho những kẻ bất tài ngồi chơi ở đó hưởng lương gấp hàng chục lần người khác, tức là tạo điều kiện cho những kẻ ăn bám tiếp tục cuộc “ăn bẩn” mà không lo bị trừng phạt.

Có người còn bảo, cuộc “tập hợp lực lượng ăn bám” có thể thấy qua phong trào xây trụ sở hành chính rộ lên vừa qua.

Lợi dụng chiêu bài đổi đất lấy “trụ sở”, nhiều nơi quyết xây trụ sở mới thật hoành tráng với kinh phí dự kiến từ việc bán trụ sở cũ, kết quả là trụ sở cũ không bán được và kinh phí lại lấy từ ngân sách. 

Minh chứng cho điều này báo Tuoitre.vn ngày 10/6/2015 viết: “Trung tâm hành chính Đà Nẵng được thiết kế như một ngọn hải đăng với 34 tầng nổi, hai tầng hầm với tổng vốn đầu tư 1.981 tỉ đồng. 

Một lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cho hay đến thời điểm này số tiền đầu tư xây dựng hoàn toàn là tiền ngân sách bỏ ra”.

Bên cạnh Đà Nẵng, báo này cũng điểm mặt những địa phương khác như Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu,…

Nếu có ai đó nghi ngờ chuyện xây trụ sở gắn với “ăn bám” thì xin đọc kết luận sau đây đăng trên Vietbao.vn ngày 18/12/2005: “Trong vòng 2 năm, Thanh tra chuyên ngành xây dựng tổ chức thanh tra 31 dự án (tổng số vốn 17.300 tỉ đồng) thì cả 31 dự án đều có sai phạm với số tiền thất thoát, lãng phí lên tới 2.070 tỉ đồng”. 

Còn tại Quốc hội những ngày này, Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Hiện nay chưa có số liệu chính xác để biết được thất thoát trong xây dựng là bao nhiêu phần trăm, nhưng vấn đề thất thoát là có thật và là vấn đề gây bức xúc. Các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tiến hành tính toán con số này”. [6]

Số tiền gọi là “thất thoát” ấy dẫu có mọc cánh cũng không thể bay lên trời, nó chỉ có thể biến thành bò sát để chui vào túi, và vì thế nếu có cái dự án cỡ 10.000 tỷ thì theo tỷ lệ số tiền nêu trên mà quy ra, nhẹ nhàng cũng ...không ít.

Đã hơi muộn để nói về “văn hóa xấu hổ”, “văn hóa từ chức” bởi lẽ những kẻ ăn bám, chỉ biết căng tròn như con đỉa dưới bắp chân người nông dân, như con vắt trên đôi vai người trồng rừng, làm gì có xấu hổ mà từ chức.

Đã đến lúc phải nói về “văn hóa ăn bám”, ăn của dân không chừa một thứ gì. 
***

Tài liệu tham khảo:

[1] http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30503&cn_id=741484

[2] http://vov.vn/xa-hoi/loai-bo-can-bo-an-bam-moi-co-dieu-kien-tra-luong-cho-can-bo-tam-huyet-446640.vov

[3] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/244808/cuoc-song-can-bao-chi--xong--vao-cho-nhay-cam.html

[4] http://infonet.vn/vu-dua-300-lao-dong-tq-vao-da-nang-pho-giam-doc-so-ldtbxh-4-khong-post182608.info

[5] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/273199/-cho-toi-toan-quyen--toi-sa-thai-40--nhan-vien-.html

[6] http://vov.vn/kinh-te/that-thoat-lang-phi-trong-dau-tu-xay-dung-khong-tinh-duoc-451405.vov