Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Bộ Tài chính: Cần kế sách bền vững nuôi dưỡng nguồn thu

ĐÀO TUẤN

LĐO - Chỉ từ năm ngoái, có tới 5 luật thuế được sửa đổi, 1 sắc thuế mới (thuế tài sản) được đề nghị. Nếu tính đếm thì trước thuế tài sản vừa được đề xuất, tỷ lệ thu thuế trên GDP đã lên tới 32%.

Tháng 8 năm ngoái, dự thảo sửa đổi 5 luật thuế khiến cộng đồng doanh nghiệp choáng váng. 

Thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng, theo hướng đánh mạnh vào các mặt hàng “đặc biệt”, từ chai nước ngọt tới lon cafe. Mức thuế suất tăng 10%, và danh nghĩa là để hạn chế tiêu thụ, là để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thuế thu nhập cá nhân tăng. Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng. Và sốc nhất là cú tăng của VAT, với dự kiến 12%, đánh trực tiếp lên các loại hàng hoá mà sự ảnh hưởng của nó không chỉ là cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ là nền kinh tế, mà cả hơn 90 triệu dân. 

Cơn sốc VAT chưa qua, nỗi lo xăng dầu lại tới khi thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu được đề xuất tăng lên đến kịch khung. 

Và giờ là thuế tài sản, với dự kiến áp 0,2 tới 0,4% cho mỗi ngôi nhà của dân có giá từ 700 triệu đồng.

Điểm chung của VAT, của thuế BVMT trong xăng, và của thuế tài sản bây giờ là nó sẽ đánh trên diện rộng: trên hầu hết các loại hàng hoá, trên mặt hàng đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, và trên số đông người dân, kể cả đối tượng chính sách còn chưa trả xong hết khoản nợ của gói vay 30.000 tỷ nhà ở xã hội. 

Theo TS Lê Đăng Doanh, thuế đã chiếm tới 32% GDP, trong khi theo khuyến cáo của Ngân hàng thế giới, với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, chỉ 2.300 USD như Việt Nam, chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP. 

Nếu cuối 2018, Thuế Bảo vệ môi trường trong xăng tăng, nếu 2019 VAT tăng, nếu đề xuất thuế tài sản được đồng ý, không biết rồi tỷ lệ này sẽ tăng đến mức nào, không hiểu rồi người dân, doanh nghiệp còn đủ sức chịu đựng?!

Tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS6, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chính phủ Việt Nam có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20-22% xuống còn 15-17%”. Quan điểm của Thủ tướng rất rõ ràng, chỉ có giảm thuế mới là gốc rễ cho phát triển, cho việc thu hút đầu tư và tạo cạnh tranh. Và quan trọng hơn, chính giảm thuế mới là kế sách vững bền để tạo và nuôi dưỡng nguồn thu.