Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

78.000 triệu USD ở đâu ra?

ANH ĐÀO

LĐO - Hệ thống đường sắt của Việt Nam có đầu tiên ở Đông Dương, nhưng đến nay, ngay cả cái khổ giữa hai bánh ray vẫn là cái khổ từ 100 năm trước và trở thành cái “khổ” của người dân đi tàu. Nhưng đến 2019 mới trình Quốc hội dự án cao tốc 350km/h đầu tiên.

Chúng ta có 21 cảng hàng không, trong đó có 8 cảng hàng không quốc tế. 150 hãng hàng không quốc tế khai thác tại Việt Nam, 31 đường bay quốc tế và trên 50 đường bay nội địa. Nhưng ở sân bay lớn nhất nước - sân bay Tân Sơn Nhất - với sân golf trong sân bay, tắc từ dưới đất tắc lên trên trời, tắc và bế tắc đến mức có người đã phải bàn tới những dự án kiểu tiếu lâm “làm cáp treo vào sân bay”.

Chúng ta có hệ thống giao thông nội đô đồng nghĩa với ùn tắc. Ở trong đó, có những con đường đắt nhất hành tinh với 3,5 tỉ đồng cho mỗi mét đường. Ở trong đó, những BRT vừa khai sinh đã sắp khai tử. Đường sắt trên cao đến hẹn lại trễ. Và Metro là con số 0 tròn trĩnh.

Với huyết mạch đường bộ, đến giờ mới có 800km cao tốc, đến 2020 sẽ đầu tư thêm 654km. Còn thiếu đến 6.500km cao tốc thì mới “cơ bản là nước có hệ thống đường bộ tương đương các nước khu vực”. Với suất đầu tư bình quân khoảng 12 triệu USD/km cao tốc, 6.500km tương đương 78.000 triệu USD.

Và câu hỏi không thể không đặt ra là “tiền đâu”?

Tất tật những đường sắt, sân bay, cao tốc là tính đếm của Bộ trưởng Bộ GTVT tại phiên họp phát triển hạ tầng và tài chính cho hạ tầng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng vừa diễn ra.

Lý thuyết thì chẳng cần phải bàn cãi. Ai cũng rõ hạ tầng giao thông đồng nghĩa với phát triển KT-XH, với nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Nhưng có vẻ chúng ta cũng đang bế tắc trong bài toán nguồn vốn, trong cả việc sử dụng nguồn đầu tư công một cách minh bạch.

Trong phát biểu của Bộ trưởng GTVT ta thấy một nguồn vốn quan trọng là “hỗ trợ vốn ODA”, thật ra là xin- vay.

Nhưng vay mượn không phải là kế sách dài lâu và bền vững như cách tự phát huy nội lực mà BOT, về lý thuyết, mới là đáp án đúng.

Hãy làm BOT sạch, hãy để các tập đoàn tư nhân như Vingroup, T&T tham gia đường sắt trên cao, hãy tạo điều kiện để có thêm những FLC trong vận tải hàng không...

Nguồn lực xã hội không thiếu đâu, và đó mới là lời giải cho bài toán vốn, nhưng nó chỉ có thể phát huy chừng nào chúng ta tạo ra được một cơ chế đủ hấp dẫn và công bằng, chừng nào chúng ta có một hệ thống kiểm soát đủ để dân tin tưởng.