Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Cái chết của 2.000 tỉ

ANH ĐÀO

LĐO - Hằng năm phải nhập 500.000 tấn Soda cho công nghiệp với nhu cầu tăng 15-20%/năm. Nhưng nhà máy (NM) chưa hoạt động thì đã “đắp chiếu”. Dùng nguyên liệu chính là muối, nhưng “chết” lại bảo là vì “thiếu nguyên liệu”.

Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức yêu cầu kiểm tra báo cáo vụ “đắp chiếu” của NM Soda 120 triệu USD tại Khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam. Trong việc “đắp chiếu” này, có những lẽ không thể hiểu nổi nếu tư duy đúng với logic thông thường.

Không hiểu nổi, bởi trong khi soda, một thứ nguyên liệu công nghiệp đang phải nhập 100% với tổng lượng nhập ước tính nửa triệu tấn/năm, tiêu tốn bằng ngoại tệ, thì NM soda đầu tiên chết ngay khi vừa “cất tiếng khóc chào đời”.

Không hiểu nổi, bởi NM kêu thiếu nguyên liệu trong khi nguyên liệu chính là đá vôi và muối, ở một đất nước xuất khẩu đá vôi và có hàng ngàn kilomet bờ biển.

Nửa tháng trước, PV Báo Lao Động đã gặp gỡ lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cũng như tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân của sự “đắp chiếu” là bởi “NM Soda chưa khắc phục được hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, là do khó khăn về tài chính, trục trặc kỹ thuật vì nhập dây chuyền thiết bị Trung Quốc”.

Vậy là y như các dự án ethanol, NM thép, phân bón... đang “đắp chiếu” khác, nguyên nhân quanh đi quẩn lại vẫn là nhập công nghệ Trung Quốc, khó khăn về tài chính, chậm tiến độ... Một bài học xương máu đắt đỏ đã phải trả học phí bằng hàng nghìn tỉ rồi lại y theo vết xe đổ.

Nhớ ngày khởi công năm 2010, người dân Quảng Nam choáng váng trước viễn cảnh xán lạn. Nào là NM đầu tiên, tiên phong. Nào là tạo 400 việc làm. Nào là 60 tỉ nộp ngân sách hằng năm.

Cuối cùng thì là bánh vẽ, là nợ cả lương khi NM trở thành cục nợ xấu mà 4-5 ngân hàng đang cố giành nhau níu kéo đống sắt thép đang han gỉ mỗi ngày.

Hồi năm 2016, ngay khi NM đi vào hoạt động, ô nhiễm môi trường tại khu vực này đã khiến 240 hộ dân xã Tam Hiệp liên tục bao vây nhà máy. Kết quả kiểm tra của Tổng cục Tài nguyên môi trường cho thấy đây đúng là một NM loại “5 không”: Không đánh giá tác động môi trường; không thu gom triệt để. Không cảnh báo; Không kê khai chất thải nguy hại. Không đăng ký nguồn thải nguy hại. Không báo cáo. Đến giấy phép xả thải cũng không.

2.000 tỉ. Rất đau xót. Nhưng thà để cho những NM loại này “chết một lần cho xong” còn hơn cứu nó bằng mọi giá để trở thành một nguồn xả thải gây hại cho sinh thái môi trường, còn hơn để nó thành một thứ báo cô phải đổ tiền bù lỗ khi không có gì đảm bảo sản phẩm trong nước có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, như những người anh em của nó, NM đạm Ninh Bình.