Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Bí thư Đà Nẵng lo lắng không biết ai sẽ thay mình?

TẤN TÀI

(GDVN) - "Thực sự tôi rất lo lắng vì thời gian công tác ở đây của tôi cũng chỉ còn 3 năm nữa là thôi, ai sẽ là người thay mình?"

Đó là chia sẻ của Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi trò chuyện với các cán bộ trung và cao cấp đã nghỉ hưu của Câu lạc bộ Thái Phiên về một số vấn đề nổi cộm của thành phố ngày 3/1.

Tại buổi làm việc, các cựu lãnh đạo lão thành đã chia sẻ những trăn trở về sự phát triển của thành phố. Đề nghị đội ngũ lãnh đạo hiện nay phải xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất.

Bí thư Trương Quang Nghĩa đánh giá cao vai trò và đóng góp của những thành viên câu lạc bộ, xem đây như là chỗ dựa chính trị trong công tác lãnh đạo của Thành ủy.

Chia sẻ về những "thăng trầm" của Đà Nẵng thời gian qua, ông Nghĩa nói, câu chuyện Đà Nẵng với Trung ương thì đấy là một quyết định rất khó khăn (kỷ luật cảnh cáo Ban thường vụ thành ủy, cách chức Bí thư Nguyễn Xuân Anh, cảnh cáo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ- pv).

"Với các đồng chí ở đây đã nghe, cũng có nhiều phân tích, quan điểm khác nhau. Nhưng đánh giá chung đó là một quyết định kịp thời, đúng mức.

Nói như đồng chí Phát thì một vết thương, một cái u mà không có phương pháp xử lý đúng và kịp thời thì có khi nó không chỉ dẫn tới đau mà tử vong, chứ không phải chuyện đơn giản".

Ông Nghĩa cũng dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tại sao xử lý vào thời điểm này, APEC đến nơi rồi (Đà Nẵng là chủ nhà APEC), sao lại xử lý?

Nhưng sau này, khi APEC kết thúc tốt đẹp, Trung ương nhận định quyết định đó là đúng mực và đúng thời điểm.

"Quá trình của chúng ta, những người có khuyết điểm thì tổ chức luôn tạo điều kiện khắc phục.

Chúng ta kiểm điểm để cá nhân vi phạm vươn lên, đi tới chứ không phải dạng như hay nói có câu là "đánh cái cho chết luôn". Đó không phải là cách thức của Đảng ta", ông Nghĩa nói.

Tôi vẫn thường nói với các đồng chí trong Ban Thường vụ, với mỗi cái sa sẩy, với mỗi cái không may thì chúng ta tìm ra cái gì? Ở đây, chúng ta phải tìm ra một bài học lớn như thế nào chứ? 

"Cái sai của chúng ta trong thời gian vừa rồi là nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đảm bảo.

Câu chuyện đất cát và tới đây sẽ có những câu hỏi và giờ trên báo chí cũng bắt đầu đăng: Tại sao Vũ Nhôm có thể mua được nhiều đất công như thế mà không phải người khác?

Rõ ràng là phải xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của chúng ta ra làm sao?".

Về hướng khắc phục, sữa chửa vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương thì ông Nghĩa cho hay, đối với Ban thường vụ, chúng tôi đang tập trung cùng nhau làm cho nó đúng vai (trách nhiệm - pv).

Đó Bí thư, Ban thường vụ ra sao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Hội đồng nhân dân vai trò như thế nào? 

Mỗi cơ quan có một chức năng mà nói đến chức năng thì không thể thay thế, không thể làm thay được. Ta phải đi từ đó - ông Nghĩa thông tin.

"Hiện nay, qua sự việc vừa rồi, cũng đang phải tiếp tục kiểm điểm. Thường vụ có kế hoạch 41, 43, các đơn vị cơ sở cũng đang tiến hành kiểm điểm.

Tôi cảm nhận một điều, qua đợt kiểm điểm vừa rồi thì có nhiều đồng chí nhận thức ra, thấy được vấn đề.

Tôi vẫn nói, cái đáng sợ nhất là người ta cố tình không nhận khuyết điểm, không nhận thức được.

Và tôi cũng nói thẳng: người nhận ra được cái sai thì sẵn sàng đứng lên, còn không nhận ra được, không dám nhận thì người ấy suốt ngày cúi gầm mặt xuống mà đi. Lòng tin sẽ mất. 

Ban thường vụ cũng rất kiên quyết, khách quan và tạo mọi điều kiện cho các đồng chí của mình nhận và khắc phục khuyết điểm", ông Nghĩa cho hay.

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, ngoài việc xem lại các quy hoạch lớn của thành phố thì ông Nghĩa cũng cho hay, công tác cán bộ cũng được xem là nhiệm vụ "khẩn".

"Cái buồn nhất của chúng ta, mà không chỉ mỗi chúng ta mà bất cứ đâu cũng vậy là khi có một người chuyển công tác thì phải có người sẵn sàng. 

Thực sự tôi rất lo lắng vì thời gian công tác ở đây của tôi cũng chỉ còn 3 năm nữa là thôi. Ai sẽ là người thay mình. Ai sẽ tiếp tục làm một cặp Chủ tịch - Bí thư. 

Trong Ban thường vụ thì chỉ còn 2 người đủ tuổi để tái cử thôi. Đây là một tỷ lệ vô cùng nhỏ".

Ông Nghĩa dẫn lại câu chuyện nhiều năm về trước, lúc đó cả ông và ông Lê Tự Cường (Chủ nhiệm câu lạc bộ Thái Phiên) cùng nằm trong Ban thường vụ.

Cũng năm đó, ông Cường cùng 7-8 đồng chí khác về nghỉ hưu. Thế mà đã có cái từ gọi là "chuối chín cả buồng". 

Vậy mà giờ chỉ còn 2/15 người trong Ban thường vụ đủ tuổi tái cử. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Ban thường vụ cũng như Ban chấp hành - ông Nghĩa cho biết.