(PLO)- Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng việc chính quyền chịu phí giải phóng mặt bằng, DN chỉ nộp tiền sử dụng đất phát sinh nhiều đơn vị đứng sau lưng chính quyền nhận đất.
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Sở Tài chính và Cục thuế TP sáng 12-1, ông Nguyễn Nho Trung (Phó chủ tịch phụ trách HĐND TP Đà Nẵng) cho hay: Nguồn thu của TP trong những năm qua còn để xảy ra nhiều thất thoát lớn.
Trước hết có thể nói chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là chủ trương đúng và sáng tạo đột phá của Đà Nẵng. "Tuy nhiên chúng ta thất thu cũng từ cái này"- ông Trung nói.
“Toàn DN quan hệ thôi”
Ông Trung cho biết thêm: “Tôi giật mình khi cầm cái báo cáo chúng ta giao mấy trăm hecta đất mà chúng ta bỏ tiền đền bù đến 800 tỉ, nhưng nộp vào 630 tỉ, chúng ta âm đến 170 tỉ. Làm bài toán kinh tế, nếu chúng ta bỏ tiền ra đầu tư mà bán theo giá đất hiện nay thì khoản hụt thu này chưa biết đến hàng nghìn tỉ. Cái này phải tiếp tục giám sát, báo cáo để có chủ trương làm sao cái hụt thu này không mất đi, bỏ vào ngân sách Nhà nước. Vừa rồi chúng ta làm hơn 20 dự án cũng giật mình về số tiền thất thoát”.
Nghe vậy, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặt câu hỏi: “Tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) thì do chính quyền, giao đất cho nhà đầu tư thì ta chỉ thu tiền sử dụng đất thôi à?”. Ông Trung xác nhận, trước đây chỉ định giá đất và thu giá đất thôi.
Theo ông Nghĩa, nguyên tắc có hai việc cấu thành tiền mà DN phải nộp gồm: tiền GPMB và tiền theo bảng giá địa phương. Hai thứ đấy làm sao mà thấp được. Còn khi mà làm như vậy (làm như ông Trung nói-PV) thì nảy sinh một tiêu cực nữa là các DN đứng sau lưng chính quyền để nhận đất.
“Về nguyên tắc khi lập dự án phải làm mấy việc. Thứ nhất, là thỏa thuận GPMB. Đương nhiên họ phải trả chi phí ấy. Đà Nẵng làm như thế này thì không có những DN tích cực, DN thật đâu mà toàn DN quan hệ thôi. Thế thì chết”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Nho Trung, thừa nhận: “Cho nên vì sao người ta không chịu đầu tư sản xuất kinh doanh ở Đà Nẵng mà đầu tư vào đất đai và có thể nói những người giàu có lên từ đất đai này cũng bắt nguồn từ đó”.
Ăn chia tiền thu thuế
Bí thư Đà Nẵng cho hay, ngành thuế, tài chính có lúc nào nêu câu hỏi 20 năm qua giá trị đất trong quá trình phát triển của chúng ta, Nhà nước thu được bao nhiêu, có được 30% không? hay rơi vào tay tư nhân hết? Nếu không đánh giá kịp thời thì tới đây chúng ta tiếp tục đi vào lối mòn như bao nhiêu năm qua.
“Thu của chúng ta so với hạ tầng, chi phí đầu tư phát triển TP đã xứng chưa? Cái đấy là hiệu quả đầu tư. Khả năng thu về của chúng ta là bao nhiêu? Nói như đồng chí Sơn (ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng – PV) thì cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý thời đó chúng ta làm thì làm được chứ giờ làm thì bằng từng này tiền. Đấy mới là cái trượt giá thôi chứ chưa phải là hiệu quả đầu tư”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, chúng ta bị thất thu thuế từ người đi thu thuế. Người ta đang nghĩ nộp 100 thì thôi mày nộp 50 thôi, còn lại chia đôi, mỗi bên được 25 đồng. Chúng ta hiện nay chưa có tuyên truyền để làm sao người nộp thuế tự hào cái đóng góp ấy. Tư tưởng là nộp càng ít càng tốt. Làm sao tránh thất thu thuế từ chính người đi thu.
Ông Nghĩa kết luận rằng, người làm tài chính thì đồng tiền phải sinh sôi nảy nở, chứ không phải quản lý đồng tiền theo kiểu kế toán một cộng một bằng hai. Đà Nẵng cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước ta thôi. Không có đầu tư thì không thể phát triển được. Điều quan trọng là quản lý đầu tư và đầu tư vào lĩnh vực nào để phát triển KT-XH.
***
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn lấy 650ha đất tại huyện Hoà Vang
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Ân (Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng) cho hay, có một DN Trung Quốc muốn lấy 650ha đất tại huyện Hòa Vang để làm sân golf. Và họ muốn đưa khách Trung Quốc sang Đà Nẵng theo tour khép kín: Sáng tắm biển, trưa đánh golf, tối chơi bài.
Ông Ân cũng tiết lộ khu vực chơi bài trong tour này là tổ hợp khách sạn JW Marriott (chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Sliver Shores) vốn kinh doanh casino từ lâu. Đến khoảng tháng 6-2018, tại đây sẽ có 800 phòng khách sạn đi vào hoạt động. Dự án này từng gây xôn xao dư luận vào năm 2015 khi chủ đầu tư đưa khoảng 300 lao động Trung Quốc đến làm việc.