Zing - Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang thương thảo với đại diện các doanh nghiệp để xin lại đất, mở lối đi xuống biển, phục vụ người dân và du khách.
Ngày 7/12, tại phiên tiếp thu và giải trình, kỳ họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố đang rất trăn trở và gặp nhiều khó khăn trong việc mở lối đi xuống biển cho người dân.
Ông nói trước đây chính quyền đã bán các vệt đất nằm ở phía đông đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) cho các doanh nghiệp. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thiện việc xây dựng các khách sạn cao cấp.
Những năm gầy đây, quá trình tiếp xúc cử tri, người dân Đà Nẵng liên tục yêu cầu thành phải mở các lối đi xuống biển. Trên thực tế, khi đất đã giao cho doanh nghiệp, họ xây các khách sạn nên người dân không được đi xuống biển qua khuôn viên đất của khách sạn.
Đại biểu Võ Văn Quý chất vấn: "Biển Đà Nẵng thì người dân phải được xuống tắm, mà muốn xuống tắm thì phải có lối đi. Đề nghị thành phố giải quyết vấn đề bức xúc này cho người dân".
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết ngoài 4 bãi tắm công cộng đã được quy hoạch và đang đầu tư, thành phố đã phê duyệt quy hoạch và lập thủ tục đầu tư 5 lối xuống biển.
Lối thứ nhất giữa Furama Resort và Cung hội nghị quốc tế Ariyana; ngoài ra có thêm 4 lối đi xuống biển nhỏ khác. “Với lối xuống biển giữa dự án Furama và Ariyana, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình UBND thành phố bố trí vốn dự kiến khoảng 5 tỷ đồng và triển khai thực hiện trong năm 2018”, ông Hùng cho hay.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc triển khai thực hiện quy hoạch trên đang gặp khó khăn. Lý do là chính quyền đã bán đất cho nhà đầu tư, giờ muốn mở lối đi xuống biển thì phải thương lượng, xin lại.
"Để giải quyết lối đi xuống biển cho người dân, chúng tôi phải thương lượng với các chủ đầu tư để xin họ từng mét đất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đồng ý vì họ không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt", ông Thơ nói.
"Đối với lối Furama và Ariyana (Ngũ Hành Sơn), chủ đầu tư không chịu chia cắt. Tuy nhiên, vị trí này là cống nước công cộng, nên thành phố phải làm việc để vừa mang lợi ích cho người dân, vừa tính đến sự hài hòa trong khu du lịch này", ông Thơ nói thêm.
Liên quan đến kiến nghị mở lối đi xuống biển ở khu vực cuối tuyến đường Hồ Xuân Hương, ông Thơ thông tin những năm trước, thành phố đã giao đất và không thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
"Ở khu vực này, thành phố cũng đã cho phép doanh nghiệp làm bãi đổ xe nên bây giờ họ không muốn nhường đất để mình mở lối đi xuống biển. Tuy nhiên, tinh thần là lãnh đạo sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của bà con", Chủ tịch Đà Nẵng chốt lại vấn đề.