(Dân trí) - Xin nói ngay, đó là kết luận của Bộ Nội vụ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về cùng một sự việc của cùng một cá nhân: Qui trình bổ nhiệm đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.
Để tiện theo dõi, xin lược ghi lại lịch trình thăng tiến chóng mặt của vị giám đốc sở trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm bổ nhiệm.
Ông Lê Phước Hoài Bảo sinh năm 1985. Tháng 5/2007 sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng ông Bảo về quê tham gia công tác và được kết nạp Đảng tại Đảng bộ huyện Đại Lộc.
Giữa năm 2008, ông Bảo thi đậu giảng viên vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sau đó về làm việc tại Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (lúc này ông Lê Phước Thanh là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng Ban quản lý đơn vị này) với hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm, ăn lương theo sản phẩm.
Trong thời gian này, ông Bảo thi đậu vào Trường ĐH Claremont Graduate (Mỹ) với chuyên ngành Quản trị tài chính và chiến lược. Giữa năm 2012, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ ở Mỹ, ông Bảo về nước và được tuyển thẳng vào làm việc tại Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai.
Ngày 26/2/2014, ông Lê Phước Hoài Bảo, khi đang là Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, được UBND tỉnh Quảng Nam điều động đến nhận công tác tại UBND huyện Thăng Bình.
Tháng 3/2014, HĐND huyện Thăng Bình khóa X tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp bất thường), ông Lê Phước Hoài Bảo được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhiệm kỳ 2011-2016.
Công tác tại đây được khoảng một năm, ông Bảo được điều động về nhận công tác tại Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc kể từ tháng 4/2015.
Đến tháng 9/2015, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ chức vụ Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam.
Nhìn vào lịch trình, có thể thấy từ tháng 2/2014 đến 9/2015 là bước “đại nhảy vọt” của ông Bảo. Từ một trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, ông Hoài Bảo vọt lên làm Giám đốc Sở KHĐT của Quảng Nam. Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao quyền lực của ông cụ thân sinh ông Hoài Bảo – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh.
Thời điểm đó (2015), dư luận đã xôn xao và ngay lập tức, Bộ Nội vụ đã cử đoàn công tác do thứ trưởng Trần Anh Tuấn vào Quảng Nam kiểm tra, làm rõ.
Báo VOV bài “Bộ Nội vụ: Quảng Nam bổ nhiệm Giám đốc Sở 30 tuổi đúng quy trình” ngày 05/10/2015 ghi rõ: “Theo quan điểm của Bộ Nội vụ, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Nam được thực hiện phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh Quảng Nam... Về thông tin ông Bảo chưa qua chuyên viên chính, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, về quy trình là đúng".
Thế nhưng gần đây, tại Kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại cho kết luận hoàn toàn ngược lại: Việc bổ nhiệm ông Hoài Bảo là sai và ông Lê Phước Thanh có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình. UBKT Trung ương cho rằng, những vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng; vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Hoài Bảo là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng một sự việc nhưng bên nói đúng, bên nói sai, trong khi chân lý chỉ có một.
Về quan điểm cá nhân, người viết bài này tin ở UB Kiểm tra bởi cho đến thời điểm này, nhờ cách làm khoa học, bài bản, có lý, có tình, không “nhầm chân”, “lấn sân” nhưng cũng cố gắng không bỏ sót, để lọt nên hầu như tất cả các kết luận của UBKT TW đều nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân và cả các đối tượng bị thi hành kỉ luật đều phải tâm phục, khẩu phục.
Nếu niềm tin của tôi là đúng, không biết rồi đây Bộ Nội vụ mà cụ thể là Thứ trưởng Trần Anh Tuấn trả lời thế nào với UB KT Trung ương và với nhân dân cả nước nhỉ?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương khẳng định: “Rõ ràng đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ làm việc tại Quảng Nam đã đưa ra kết luận không đúng, kiểm tra như thế là không đạt yêu cầu. Bây giờ Bộ Nội vụ cần kiểm điểm những cá nhân trong đoàn đi kiểm tra vụ việc này. Trước tiên những cá nhân trong đoàn kiểm tra đó phải giải trình vì sao đi đến kết luận đó, nếu vì cảm tình, vì hời hợt, vì trình độ kém thì cũng là việc cần phải đưa ra chấn chỉnh. Còn nếu có tiêu cực mà làm sai thì càng phải xử lý nghiêm”.
Nếu thế thì có bác “gay” bởi “phải đưa ra chấn chỉnh” đã là “nguy” rồi, còn “tiêu cực mà làm sai thì càng phải xử lý nghiêm” thì chắc sẽ “rất nguy”, phải không các bạn?