VNExp - Các bị can làm giả sáu công văn để "phù phép" cho gần 1.000 sản phẩm thủy sản được lưu hành, dù không đạt tiêu chuẩn.
Cơ quan điều tra (Bộ Công an) vừa ra kết luận, đề nghị truy tố nhóm cán bộ Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) thuộc Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tội Giả mạo trong công tác.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp (trong đó có thức ăn nuôi trồng thủy sản và chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản) để rà soát tổng thể các quy định pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, trong thời gian này, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm về Tổng Cục Thủy sản (trung tâm 3K). Cùng với lượng hồ sơ trước đó dẫn đến nhiều hồ sơ sản phẩm đề nghị đăng ký lưu hành bị tồn đọng quá nhiều.
Nắm bắt được nhu cầu lớn của các doanh nghiệp về việc lưu hành sản phẩm thủy sản, các cán bộ tại trung tâm 3K gồm Bùi Đức Quý (giám đốc), Nguyễn Thị Hà (chuyên viên văn phòng), Đỗ Thị Hà (chuyên viên phòng khảo nghiệm), Nguyễn Văn Dũng (chuyên viên phòng kiểm nghiệm, kiểm định), Nguyễn Huy Bàn (chuyên viên văn phòng), Vũ Thị Thu (cán bộ trung tâm miền Đông Nam bộ) đã cùng Lê Tuấn Anh (Phó phòng hành chính quản trị, văn phòng Tổng cục Thủy sản) vi phạm pháp luật.
Theo cáo buộc, các bị can Nguyễn Hà, Đỗ Hà, Bàn, Dũng, Thu đã thu tùy mỗi sản phẩm của doanh nghiệp cần đăng ký lưu hành giá từ năm triệu đến 25 triệu đồng.
Sau đó, các bị can lợi dụng tình trạng buông lỏng việc ra các văn bản để phát hành giả mạo sáu công văn của Tổng Cục Thủy sản, nhằm đưa 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam để hưởng lợi cá nhân. Các công văn này đều được bị can Tuấn Anh lăn dấu, rồi "bán" cho doanh nghiệp.
Trong một công văn do Tổng cục Thủy sản ban hành năm 2013 chỉ có 30 sản phẩm kèm theo trong phụ lục nhưng ông Bàn đã ghép thêm 111 sản phẩm, bà Đỗ Hà ghép 57 sản phẩm. Các sản phẩm thêm này được ghép từ năm 2014. Tuy nhiên, ông Bàn đã trao đổi với bà Đỗ Hà liên hệ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục bằng cách ghi lùi thời gian về năm 2013.
Cũng với thủ đoạn trên, cơ quan điều tra cáo buộc, bà Nguyễn Hà, Đỗ Hà cùng với Vũ Thị Thu, Nguyễn Văn Dũng dùng bốn công văn giả khác để ghép thêm 778 sản phẩm vào phần phụ lục. Trong đó, bà Nguyễn Hà, Đỗ Hà ghép thêm 591 sản phẩm; Thu và Dũng đồng phạm với Đỗ Hà ghép 187 sản phẩm vào phần phụ lục.
Trong tổng số hơn 7,3 tỷ đồng thu được từ các doanh nghiệp, ông Quý được Thu chuyển hơn 912 triệu đồng vào hai tài khoản ngân hàng để bồi dưỡng cho việc ký nháy vào phụ lục công văn giả mạo. Bà Nguyễn Hà nhận tổng cộng gần 2,3 tỷ đồng và có đưa cho ông Quý nhiều lần (mỗi lần từ 100 triệu đến 200 triệu đồng) tổng cộng khoảng 1,2 tỷ đồng, Tuấn Anh 180 triệu đồng.
Bà Đỗ Hà nhận nhiều nhất, tổng cộng gần 4,7 tỷ đồng từ hàng chục doanh nghiệp. Trong đó, bà này chuyển bồi dưỡng cho Nguyễn Hà gần 3 tỷ đồng, ông Quý, Tuấn Anh, Thu từ 50 triệu tới gần 300 triệu đồng.
Nguyễn Văn Dũng khai, nhận tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng, chuyển bồi dưỡng Nguyễn Hà 470 triệu, Quý 590 triệu đồng, Thu 60 triệu đồng. Các bị can Bàn hưởng lợi 300 triệu, Thu 580 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, sáu bị can trên đã thừa nhận hành vi tạo dựng, phát hành sáu văn bản giả mạo. Riêng bị can Tuấn Anh không thừa nhận việc đóng dấu vào các văn bản giả mạo.
Cơ quan điều tra cho rằng, vụ án giả mạo trên ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế về nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản của Nhà nước, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản… Điều này dẫn đến hệ lụy và khả năng thiệt hại về kinh tế cho người dân nuôi trồng thủy sản.