MTG - Nay người ta cố kiếm bằng cấp này nọ, học hàm học vị, miệng thì nói để đóng góp tốt hơn cho xã hội, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, mà thực chất phần lớn cũng chỉ để kiếm hời cái giá khoa danh, thành ông nọ bà kia, khoe mẽ với thiên hạ.
Thật ra chuyện bằng cấp, sính bằng cấp là thứ xưa, quá xưa rồi, đâu phải chỉ thời này. Bằng cấp đem lại vinh dự cho con người, nhưng ở khía cạnh khác, nó cũng làm khổ nhục, đày đọa con người, vẩn đục xã hội.
Tôi nói xưa bởi hầu như ngày trước ai đi học cũng thuộc bài “Vịnh tiến sĩ giấy” của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Nhân tết Trung thu (xứ ta đang mùa trung thu), coi trong đám láo nháo đồ chơi đón trăng của con trẻ, ngoài những đèn này đèn nọ có cả ông tiến sĩ giấy, cụ Nguyễn cám cảnh mà rằng “Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/Cũng gọi ông nghè có kém ai/Manh giấy làm nên thân giáp bảng/Nét son điểm rõ mặt văn khôi/Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/Cái giá khoa danh ấy mới hời/Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Ý tứ, từ ngữ trong bài thơ thì khỏi chê. Cứ như thiển ý tôi, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống nạn sính bằng cấp từ xưa đến nay, bài vịnh tiến sĩ giấy của cụ Tam nguyên là bản tố cáo đanh thép số 1, vạch trần thực chất giả tạo, màu mè, hư danh, chuộng đồ giả… của tầng lớp được coi có đẳng cấp cao trong xã hội.
Cứ tưởng thời phong kiến-thực dân, thói coi trọng bằng cấp mới có đất sống chứ trong xã hội mới dân chủ hiện đại văn minh như thế này nó sẽ bị chôn vùi, té ra không phải. Bệnh còn nặng hơn, nghiêm trọng hơn là khác. Đến mức nó đã ngấm vào từng mạch máu, ngóc ngách cơ thể xã hội, hết thuốc chữa. Người xưa cần kiếm cho bằng được tấm bằng, học vị này nọ để ra làm quan nên phần lớn cố học hành cho đầy đủ đàng hoàng, trải qua bao nhiêu cửa ải thi cử, coi chuyện đi ngang về tắt, mua danh bán tước là điều xấu hổ, vì thế trường hợp “tiến sĩ giấy” như cụ Nguyễn phê không phải không có nhưng hiếm. Chỉ cần tòi ra vài trường hợp là đã nhận ngay quả thôi sơn kiểu của cụ Nguyễn Khuyến rồi. Nay người ta cũng cố kiếm bằng cấp này nọ, học hàm học vị, miệng thì nói để đóng góp tốt hơn cho xã hội, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, mà thực chất phần lớn chỉ để kiếm hời cái giá khoa danh, thành ông nọ bà kia, khoe mẽ với thiên hạ.
Chả ai đố kỵ, chê bai, xem thường bằng cấp, học hàm học vị bởi bản thân nó là sự cao quý, đáng kính trọng. Những học vị tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… đều là mốc phấn đấu, ghi dấu quá trình vươn tới không ngừng của một đời người. Người đạt học vị nào đó là người đã đạt tầm cao hơn so với đám đông, thuộc dạng người tài đáng được trọng dụng. Chính vì vậy, cái tên gọi của học vị thời xưa đã hàm ý nghĩa ấy. Cử nhân có nghĩa là người đỗ đạt được đề cử lên triều đình để làm quan; hương cống (hoặc cống sinh) là người đỗ trong kỳ thi hương, xem như người tài được tiến cống lên nhà vua, vua sẽ bổ làm quan; tiến sĩ là người thi đỗ kỳ thi hội (thi ở kinh), tài giỏi đặc biệt, đáng tiến lên, dâng lên triều đình để gánh vác việc nước, hưởng tước lộc. Những kỳ thi thời xưa thường gắt gao, chọn người kỹ lưỡng, bằng cấp học vị thường đúng thực chất, anh nào ăn xổi ở thì, mua danh mua bằng không sớm thì muộn cũng bị phơi bày cho thiên hạ dè bỉu.
Đạt học vị đã khó, có được học hàm càng khó hơn. Học hàm là chức danh, là cấp bậc cao do nhà nước phong tặng, công nhận, ví dụ giáo sư, phó giáo sư. Theo lẽ phổ biến, muốn có học hàm trước hết phải có học vị. Tuy nhiên, không phải ai có học vị cũng nhận được học hàm, mà phải là những người xuất sắc, tài cao, trí lự sâu sắc, đã đóng góp nhiều. Một nước mà nhan nhản giáo sư, phó giáo sư, "ra ngõ gặp giáo sư" nhưng việc cải tiến hoặc sáng chế ra một cái máy tiện dụng phục vụ nông nghiệp như máy tẽ ngô, trồng củ mì lại do mấy ông nông dân “hai lúa” chứ không từ mấy “cụ giáo” ấy thì cần phải xem lại thực chất của đội ngũ học hàm.
Trong xã hội, đông nhất là nhân dân, họ chỉ lo làm ăn, cày cấy, buôn bán… nên nhìn chung không cần bằng cấp. Bộ phận còn lại là cán bộ, được xem là lực lượng tinh hoa của cộng đồng. Cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đương nhiên phải có trình độ hơn người thường, có bằng cấp nhất định, càng cao càng tốt. Có thế mới xứng đáng là người lãnh đạo. Bằng cấp mà đúng với thực chất con người, với vị trí được ngồi, sẽ chả ai nói làm gì. Dân chúng chỉ mong vậy.
Đang có nhiều tranh luận xung quanh chuyện bằng cấp, học vị của cán bộ, nhất là mấy vị lãnh đạo cấp cao. Chưa êm vụ bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng, lại tiếp ngay đến những tố cáo về bằng cấp của Bí thư tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển. Thực chất vụ việc, đúng sai thế nào, cơ quan kiểm tra và chức năng sẽ trả lời. Nhiều năm qua, luôn dấy lên chuyện cán bộ nơi này sử dụng bằng giả, cán bộ nơi kia gian lận bằng cấp, không học không thi cũng có bằng, chưa tốt nghiệp phổ thông vẫn đạt cử nhân thạc sĩ, học lỗ mỗ xôi đỗ mà vẫn được đề bạt hanh thông, thăng tiến vù vù. Gian lận bằng cấp đã quá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, thậm chí thành trào lưu, thành chuyện thường ngày. Rất nhiều vụ người gian dối bị tố cáo, bị phát hiện, mất uy tín quá mới chịu từ chức. Không ít cán bộ liên tục công tác, chả biết đi học hồi nào nhưng vẫn kịp sưu tập cho mình đủ thứ bằng cấp, chứng chỉ. Có thể nói, không nơi đâu nhiều chuyện đáng ngờ về bằng cấp như giới quan trường.
Ngoài những vấn đề bằng giả, bằng dỏm, bằng không có giá trị, học vị học hàm hư danh tràn lan mà nếu bàn kỹ phải tốn khá nhiều thời gian, giấy mực, ta hãy chốt vào một vấn đề quan trọng: nạn sính bằng cấp.
Điều dễ thấy là ai đó muốn được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước thì yếu tố bằng cấp được đặt lên hàng đầu. Dù có tài giỏi cỡ mấy, nhưng không có bằng cấp gì, xin mời đi chỗ khác. Tấm bằng, trong mắt nhà tuyển dụng, là thứ bảo đảm tuyệt đối cho trình độ học vấn, tài năng, kiến thức. Cũng dễ hiểu, tôi chưa biết anh thế nào, cứ phải căn cứ vào tiêu chuẩn bằng cấp đã. Nhưng lạm dụng tiêu chuẩn bằng cấp, trọng bằng cấp đến mức, để bổ nhiệm cất nhắc, để tạo cán bộ nguồn, cứ ai nhiều bằng, bằng cao thì ưu tiên, bất cần kiểm tra chính xác thực chất con người, thì hỏng là phải. Từ đó dẫn đến chạy chọt, học giả bằng thật, mua bằng, gian dối dùng bằng giả, hoặc cố tình sử dụng bằng không được thừa nhận (như trường hợp ông Xuân Anh). Không ít cán bộ đã chuẩn bị tâm lý dùng bằng giả bằng gian, nếu trót lọt thì vinh thân phì gia, nếu bị phát hiện cũng chỉ kiểm điểm nghiêm khắc, chuyển công tác, mất chức là cùng, chả ai bắt đi tù về tội tiêu thụ hàng giả mà sợ. Mà đúng như thế. Đâm nhờn. Nhiều cơ quan nhà nước khi tuyển dụng hoặc cất nhắc ai đó cũng rất “nhẹ dạ cả tin”, chỉ căn vào lời khai của đương sự hoặc cán bộ, chả cần kiểm tra cho rõ ràng, nên lâu lâu lại hoảng hốt khi tòi ra bằng giả. Mà việc kiểm tra nào có khó gì, chỉ vài câu vấn đáp, vài thử thách, vài cú nhấc máy điện thoại liên hệ với nơi cần thiết là xong, nhưng chả chịu làm, để rồi thỉnh thoảng lại giật mình, nối dài sợi dây rút kinh nghiệm.
Tôi có người bạn làm công tác tổ chức của một doanh nghiệp lớn, người ấy bảo rằng chỉ có cơ quan, đơn vị nhà nước mới sính, mới trọng bằng cấp, chứ doanh nghiệp tư nhân, thậm chí nhiều nhà đầu tư nước ngoài, cốt sao chọn người tài, được việc, còn có bằng hay không, không quan trọng lắm.
Bằng cấp, chứng chỉ không có tội gì. Lỗi là ở người không thực chất mà vẫn tìm mọi cách để có nó, và lỗi cả ở bộ máy sính bằng cấp để rồi nó phải oan ức chịu tiếng xấu.