Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

“Lạm phát” lãnh đạo – lỗi hệ thống?

Vương Hà

Dân Trí - Thông tin, sở GD & ĐT Vĩnh Phúc có 45 công chức nhưng 38 người làm lãnh đạo khiến dư luận bàng hoàng. Bàng hoàng không phải vì có gì mới, mà bởi, nó hơi bị… nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân tình trạng “lạm phát” cán bộ?

Nói về nguyên nhân “lạm phát” cán bộ, dư luận đã nói nhiều về các mối quan hệ nhằng nhịt, từ gửi gắm của ai đó cho đến tiền bạc và các loại “ệ”. Hoặc nói như Giám đốc Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân với báo chí: “Đây cũng là vấn đề về chính sách cán bộ. Trong điều kiện lương cơ bản còn hạn chế, chưa đảm bảo được cuộc sống thì việc bổ nhiệm vị thế xã hội thuận lợi làm việc và thu nhập có tăng thêm một chút.” Đây là lời tâm sự rất thật của ông Giám đốc sở về “thu nhập” và “vị thế” - nó là một phần của nguyên nhân “lạm phát” nhưng chưa đủ và chưa đúng bản chất của sự “lạm phát”. Bởi, những ai được lãnh đạo quan tâm đến “vị thế” lại là việc hoàn toàn khác.

Nhưng, trong bài này, tôi muốn nói đến một nguyên nhân khác: Lỗi hệ thống. Dư luận thời gian qua biết nhiều việc “lạm phát” cán bộ mỗi khi cơ quan chức năng vào cuộc. Vậy, việc “lạm phát” cán bộ này liên quan gì đến lỗi hệ thống?

Về chủ trương, tinh giảm biên chế được Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng đáng buồn là, nó không những không giảm mà vẫn phình to ra . Còn về công tác cán bộ, không ít các văn bản pháp quy nói rõ tùy cơ quan, sẽ được bao nhiêu cấp phó, nhưng thực tế, từ địa phương cho đến trung ương, nhiều nơi quy định này vẫn bị bỏ qua với nhiều lý giải, về mặt hình thức nghe cũng… xuôi xuôi. Chính cái xuôi xuôi này mới là nguy hiểm, bởi nó ẩn chứa tính ngụy biện nhiều hơn là nhu cầu thật.

Trả lời phỏng vấn Dân Trí, Giám đốc Sở GD& ĐT Hoàng Minh Quân đã nói tương đối rõ về lý do tại sao nhiều cán bộ, trong đó có những lý do nghe nó thấy sai sai như vì “vị thế”, vì “thu nhập”. Tuy nhiên, cũng phải thông cảm với ông Quân bởi có nhiều phòng chỉ có 4 - 5 người. Mà, với cơ chế của chúng ta, không đủ lãnh đạo thì không sắp xếp nổi việc họp hành. Vậy tại sao chúng ta cái gì cũng quá nhiều, từ họp hành, hội thảo cho đến chỉ đạo?

Mặt khác, gần như các cơ quan trung ương có phòng ban gì thì các sở ở các tỉnh, thành phố đều có những phòng ban đó. Và các tỉnh, kể cả những tỉnh nhỏ có mô hình gần như mô hình của các thành phố lớn, từ các sở, ngành cho đến các phòng, ban của từng sở. Liệu như vậy có hợp lý? Tại sao những phòng nhỏ, có tính chất gần nhau không ghép lại làm một? Tất nhiên, sẽ có nhiều lý do hay ho biện hộ cho việc không muốn ghép phòng, ban này. Nhưng trong sâu thẳm, đã được nhiều hội thảo vạch ra: Bệnh hình thức. Ngành nào cũng thấy mình quan trọng và càng có nhiều phòng ban thì càng oai!

Trở lại với Sở GD& ĐT Vĩnh Phúc, Chủ tỉnh UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký quyết định sở này sẽ tinh giảm 13 phòng xuống còn 10 phòng. Như vậy, việc tăng giảm số phòng của một sở phụ thuộc vào nhu cầu của từng địa phương và nhiều khi được quyết định bởi ý chí của lãnh đạo tỉnh. Vậy tại sao, Bộ Nội vụ không tham mưu để Chính phủ đưa ra những quy định khung cụ thể hơn (tất nhiên không thể chi tiết) để tránh sự tùy hứng của từng lãnh đạo địa phương?

Và không phải ngẫu nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí : “Theo đề án các ông đang thực hiện thì tới đây còn tình trạng một phòng có 5-6 người nhưng có 4-5 người lãnh đạo không?”, ông Hoàng Minh Quân trả lời nước đôi: “Cơ cấu chưa nói trước được…”. Dân trí cũng cho biết, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đang tiến hành làm rõ dấu hiệu vi phạm của ông Hoàng Minh Quân khi bổ nhiệm con trai làm Phó trưởng phòng và đưa vào quy hoạch Phó giám đốc Sở GD ĐT. Đây cũng là hiện tượng không hiếm về chuyện “con ông, cháu cha” ở không ít bộ, ngành, địa phương. Điều đó cho thấy, nhiều khi ý chí của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định tất cả bất chấp rất nhiều cơ chế kiểm tra, đoàn thể kiểm soát. Điều đó là gì nếu không phải lỗi hệ thống?

Tài liệu tham khảo:

http://dantri.com.vn/su-kien/45-cong-chuc-38-nguoi-lam-lanh-dao-la-dung-nhung-chua-day-du-20170828070831827.htm http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lam-phat-lanh-dao-giam-doc-so-gddt-tinh-vinh-phuc-noi-gi-1181570.tpo