Zing - Việc bút phê của Phó chủ tịch UBND xã An Bình ở Hải Dương trong sơ yếu lý lịch cô gái 23 tuổi khiến nhiều người lo ngại về tính công bằng, trình độ và tư duy của lãnh đạo cấp xã.
Hai ngày qua, mạng xã hội xôn xao vụ việc anh Nguyễn Danh Cường đưa em gái 23 tuổi đến UBND xã An Bình (huyện Nam Trực, Hải Dương) để xin dấu xác nhận nhân thân. Thay vì đóng dấu xác nhận theo đúng quy trình, lãnh đạo xã đã bút phê với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương” vào phần xác nhận của địa phương.
Lý giải về việc chưa chấp hành tốt như nhận xét, người trong cuộc lý giải nguyên nhân là gia đình anh này không đủ khả năng đóng góp 2 triệu đồng theo chủ trương làm đường của xã nên khi lên xin dấu xác nhận đã bị lãnh đạo "làm khó".
Năng lực quản lý yếu kém
Trước sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi vì sao gia đình anh Cường lại có thái độ như vậy trong khi đường dân sinh phục vụ chung cho tất cả mọi người, bao gồm cả gia đình anh.
Tuy nhiên, đại đa số đều không tập trung vào lỗi gia đình anh Cường, thay vào đó là nêu cái sai của lãnh đạo xã và chỉ ra sự thiếu năng lực của họ trong cách làm việc.
“Là lãnh đạo của một xã, làm luật nhưng không hiểu luật, vượt quyền... Không quy định nào cho phép lãnh đạo UBND được nhận xét vào sơ yếu lý lịch của người dân. Thiết nghĩ phải có tập huấn về cách xác nhận trong lý lịch của người dân cho các quan chức cấp xã, phường, tránh tình trạng vượt quyền”, Nga Trần bày tỏ quan điểm.
Ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết địa phương không còn cách nào khác để cho người dân chấp hành, nên cán bộ xã mới ghi nội dung lên phần xác nhận lý lịch.
Trước câu trả lời của ông Khoa, nhiều bạn đọc tỏ ra e ngại, nghi ngờ về năng lực làm việc của lãnh đạo địa phương. Độc giả Hoài Nam khẳng định về mặt pháp luật Phó chủ tịch UBND xã Trương Phúc Thực sai hoàn toàn và ông đang nhầm lẫn, mập mờ giữa chuyện này và chuyện kia.
“Qua việc bút phê này tôi thấy một sự bất lực của chính quyền. Nếu gia đình anh Cường không đóng góp xã nên vận động, giải thích cho họ hiểu những cái lợi mình được hưởng từ việc làm này bởi 2 triệu/nhân khẩu đối với gia đình ở nông thôn quá lớn. Không thể có suy nghĩ họ đang cần mình, nhân cơ hội này phải truy thu như vậy được”, anh viết.
Trong khi đó, tình trạng này đã được Bộ Tư pháp nhắc nhở từ 3 năm trước nhưng tới nay vẫn còn tái diễn.
Theo nội dung công văn số 1520/HTQTCT-CT mà Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) gửi các sở Tư pháp địa phương hướng dẫn việc xác nhận sơ yếu lý lịch có ghi UBND cấp xã không được ghi nội dung không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu của công dân.
Trong quy định pháp luật đã nêu cụ thể những quyền hạn, trách nhiệm cho UBND cấp xã. Họ chỉ có quyền chứng thực chữ ký, không được chứng thực nội dung.
“Nhiều nơi lãnh đạo ở xã như ông vua con của một vùng, họ tự cho mình quyền sinh, quyền sát, không chấp hành quy định của pháp luật. Chuyện hạch sách khi đi xin dấu không hiếm, ngày trước tôi làm hồ sơ nhập học đại học, đi xin dấu xác nhận xã hành lên hành xuống. Cứ tiếp tục tình trạng này, người dân sẽ mất niềm tin vào cách làm của chính quyền”, người dùng Minh Lam chia sẻ.
Hậu quả của sự cảm tính
Chưa nói đến chuyện đúng sai trong trường hợp này, thành viên Nguyên Nam cho rằng hậu quả của việc làm cảm tính này để lại rất lớn. Về phía người dân, cầm sơ yếu lý lịch có dòng chữ: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương" do chính lãnh đạo xã phê vào hồ sơ như vậy nhà tuyển dụng nào dám nhận. Như vậy chẳng khác nào cắt đứt đường sống của một cô gái khi vừa tốt nghiệp đại học.
Đối với lãnh đạo cũng có nhiều bất lợi, việc bút phê của ông Thực là sai quy định của pháp luật, vượt quyền hạn cho phép… và sẽ bị xem xét kỷ luật.
Theo anh Nam, vụ việc này không xử lý tốt sẽ khiến người dân bất mãn, mất lòng tin vào lãnh đạo ở xã, phường.