Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Đại sứ quán Đức trả lời câu hỏi về ông Trịnh Xuân Thanh

Tin-ảnh: D.Ngọc

(NLĐO)- Đại sứ quán Đức ngày 28-9-2016 đã trả lời câu hỏi về giả thiết ông Trịnh Xuân Thanh lẩn trốn ở nước này.

Tại buổi họp báo ngày 28-9 do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội tổ chức, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig trả lời câu hỏi của phóng viên về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh.

Về giả thuyết cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh - người đang bị Việt Nam truy nã trong nước và quốc tế, chạy trốn sang Đức là nơi ông Thanh từng làm việc vài năm, trong khi hai nước chưa ký kết hiệp định hợp tác về dẫn độ tội phạm, phóng viên đặt câu hỏi giả sử ông Thanh bị bắt giữ tại đây, liệu hai bên sẽ phối hợp như thế nào để bắt giữ, dẫn độ bị can này.

Phó Đại sứ Wolfang Manig cho biết Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết cho biết nhân vật đó đang ở đâu. Và khi chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, ngày 16-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 17-9, liên quan tới thông tin cho rằng bị can Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở Đức, trả lời Báo Người Lao Động, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết hiện nay Việt Nam và CHLB Đức chưa ký hiệp ước dẫn độ nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn có thể áp dụng các Điều ước quốc tế liên quan mà cả hai quốc gia là thành viên. Khi đó, vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

Cũng tại buổi họp báo ngày 28-9, Đại sứ Đức tại Việt Nam, ông Christian Berger khẳng định quan hệ giữa Đức và Việt Nam rất phong phú, đa dạng và Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nỗ lực toàn diện để cải thiện hơn nữa và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa 2 nước.

Đại sứ quán Đức nhấn mạnh về chính trị, Việt Nam vẫn là một đối tác rất quan trọng của Đức. Điều đó được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao trong năm nay: Chủ tịch đoàn nghị sĩ của Đảng Dân chủ xã hội Đức SPD tham gia chính phủ, ông Thomas Oppermann, đại diện cao nhất của Giáo hội công giáo Đức, Hồng y giáo chủ Marx và Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier.

Năm 2016, trao đổi thương mại giữa Đức và Việt Nam đạt được một đỉnh cao mới. Với kim ngạch thương mại đạt gần 10,3 tỉ Euro, nước Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Đức tới 8 tỉ Euro. “Xuất siêu sang Đức là một điều hết sức đặc biệt, bởi nước Đức luôn có tiếng trong việc tạo ra các sản phẩm và mang sản phẩm của mình đi bán khắp thế giới” – Tham tán thương mại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội nhấn mạnh.

Giới kinh doanh, doanh nghiệp Đức đang thúc đẩy thành lập một phòng thương mại song phương toàn diện tại Việt Nam của giới kinh doanh Đức và cả của các đối tác Việt Nam. Đức tin tưởng Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam được ký kết vào tháng 2-2016 sẽ tiếp tục đơn giản hóa hoạt động trao đổi thương mại và tạo điều kiện kết nối hơn nữa giữa EU và thị trường Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng được doanh nghiệp Đức quan tâm hơn.

Năm 2015, Đức cam kết giành 220 triệu Euro cho hợp tác phát triển với Việt Nam trong 2 năm, trọng tâm trong các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng và môi trường.