Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Họp báo về BOT Cai Lậy: Hai cầu biến thành cống do “cầu chó nhảy”

Thanh Xuân

(Dân Việt) Trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo đang diễn ra chiều nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc thay 2 cầu thành cống trên tuyến đường có trạm thu phí BOT Cai Lậy là phương án kỹ thuật do cầu quá nhỏ, dạng "cầu chó nhảy qua".

Thay cầu bằng cống: Chi phí nếu có chênh lệch cũng không nhiều

Báo chí đặt câu hỏi, ở trên tuyến đường BOT Cai Lậy, theo thiết kế ban đầu có 7 cầu, tuy nhiên sau đó có 2 cầu được thay bằng 2 cống. Vậy khi giảm cầu thành cống thì toàn bộ dự án giảm được bao nhiêu tiền? Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trước đó đã tuyên bố, các dự án quyết toán xong mới thu phí. Tuy nhiên, vì sao tại dự án BOT Cai Lậy, dù chưa quyết toán đã thu phí? 

Trả lời  các câu hỏi trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Việc hai cầu bị biến thành cống là câu hỏi về mặt kỹ thuật. Trong quá trình triển khai dự án ban đầu, đây là 2 cầu dài khoảng 6m, dân gian gọi vui là “cầu chó nhảy”.

"Việc thay thế cầu bằng cống là bước kỹ thuật tiếp theo để đảm bảo thoát nước. Và chi phí nếu có chênh lệch chắc chắn cũng không quá nhiều", Thứ trưởng Đông khẳng định.

Trả lời tiếp, ông Đông nhấn mạnh hình thức đầu tư BOT thực tế xuất phát từ ngân sách của chúng ta quá thiếu, quá khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo dự kiến trong những năm tới, đầu tư Quốc lộ thôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần phải tính tới nhượng quyền khai thác trên các tuyến quốc lộ để nâng cao khả năng cải tạo.

"Bây giờ chúng tôi chỉ làm tuyến mới. Tuy nhiên sắp tới thiếu vốn cũng khó làm được. Còn trong tương lai đầu tư công tư là xu hướng chung, trên cơ sở xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, để xây dựng các tuyến cao tốc hiện đại", Thứ trưởng Đông cho biết.

Về vấn đề dự án chưa quyết toán đã thu phí, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ: Đối với dự án cụ thể phải rà lại con số chốt cuối cùng. Ông Đông cho biết, theo quy định chung sau khi hoàn thành dự án bao lâu thì mới chốt, tuy vậy hiện nay với dự án này, thủ tục đang ở giai đoạn quyết toán để chốt lại các con số.

Mới xây dựng đã vi phạm hành lang an toàn

Giải đáp thêm về quá trình thực hiện dự án cũng như quy trình thủ tục, ông Đặng Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Chất lượng công trình giao thông cũng cho biết: Dự án này có 2 giai đoạn, đối với đoạn qua QL1A, kết thúc tháng 1 năm 2016. Trong quá trình đó đã đưa vào khai thác thường xuyên.

Tuyến tránh Cai Lậy được thực hiện trong giai đoạn từ Tết Âm lịch vừa rồi, để đảm bảo chống ách tắc trên Quốc lộ 1 nên đã đưa vào khai thác tạm thời. Chủ đầu tư đưa vào nghiệm thu tuyến tránh từ tháng 6.2017. Trong quá trình thi công, tất cả các thủ tục đã được hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Hiện chủ đầu tư đã hoàn công để trình Bộ GTVT hồ sơ cuối cùng xem xét để quyết toán.

Trả lời câu hỏi về việc tuyến tránh mới đưa vào sử dụng, nhưng đã xuất hiện tình trạng người dân vi phạm hành lang an toàn đường bộ gây mất an toàn giao thông, ông Thành giải thích: Về hành lang an toàn, nhà thầu tổ chức thi công, ban đầu không có tuyến hành lang nào, nhưng khi bắt đầu vào giai đoạn thi công nền, tại nhiều vị trí người dân đã lấn ra sát đường.

Thứ trưởng Đông nói thêm, hành lang phải an toàn phải giao cho địa phương quản lý mới được.