Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Thi tuyển cán bộ, công chức, có ai tin không?

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Những người nào phải “chạy” thì mục đích của họ đầu tiên và trên hết là “hoàn vốn” và “sinh lời”. Để đạt mục địch này, họ không từ thủ đoạn nào để “móc túi dân”. Dốt nát về “gieo trồng” nhưng ngược lại, họ lại là những… bậc thầy “thu hoạch”...

Trong một bài viết nhân Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng phải đau lòng thốt lên: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ”.

Công tác cán bộ không bao giờ cũ, đặc biệt là sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm, một loạt lãnh đạo chủ chốt được thay thế bằng một thế hệ mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc “tân quan, tân… đệ tử”.

Vì thế, những ngày gần đây, câu hỏi về công tác tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ lại tiếp tục sôi động và một trong những câu hỏi cần được giải đáp, đó là tình trạng “con ông, cháu cha” trong công tác tuyển dụng.

Trên báo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 20/2 có một tít bài khá ấn tượng: “Thi tuyển cán bộ - công chức: Còn gửi gắm còn mất niềm tin”. Bài báo có đoạn: “Thiếu niềm tin vào các kỳ thi tuyển công chức lâu nay đã trở thành tâm lý phổ biến trong xã hội, mặc dù các kỳ thi vẫn diễn ra công khai, theo đúng quy trình. Công khai nhưng chưa chắc đã minh bạch”.

Thực ra, việc thiếu niềm tin này không lạ. Nó có ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cuộc thi tuyển cán bộ, công chức. Sự “gian lận” thường được ngụy tạo dưới cái vỏ bọc “công khai” và được “bảo kê” bằng “bảo bối”: “Đúng qui trình!”.

Nghĩa là khi nhìn vào các cuộc thi với các qui định “ngặt nghèo”, không thể bắt bẻ được dù một chi tiết nhỏ nhất. Nó tạo nên một lớp “hào quang” mang tên “minh bạch” khiến không ít người “ngộ nhận”.

Thế nhưng đến khi công bố kết quả, thì nhiều người “ngã ngửa” bởi trong cái danh sách trúng tuyển ấy, nhiều, thậm chí là… hầu hết đều có “quan hệ”.

Nó giống như một trận đấu quyền Anh hay trận bóng mà ở đó, kết quả đã được định đoạt. Những người không có quan hệ thực chất bị biến thành “diễn viên quân xanh” làm nền cho “quân đỏ”.

Tuy nhiên, nó kém ở chỗ những trận đấu trên ít nhất là có sự công khai trước mắt người xem, dù thiếu minh bạch bản chất là không minh bạch. Còn ở không ít cuộc thi công chức, việc công khai cũng không mà minh bạch thì càng không.

Vụ việc thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường, một cuộc thi tuyển mà dư luận gọi là “thoảng mùi tiền” và “mùi o bế cháu con”…! là một minh chứng.

Điều đáng lo ngại, những cuộc thi thiếu minh bạch, “dàn xếp tỉ số”, gian lận này chỉ xảy ra đối với cán bộ công chức nhà nước. Nói như Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Chỉ có cơ quan nhà nước mới có sự lựa chọn nhầm về bằng cấp; còn cơ quan tư nhân không có chuyện đó”.

Đây mới thực sự là điều đáng lo ngại bởi việc thi cử thiếu minh bạch “chỉ có ở cơ quan nhà nước” sẽ góp phần tạo nên một đội ngũ công chức kém cỏi, thậm chí không ít người dốt nát. Những cán bộ, công chức yếu kém này không chỉ không làm được việc mà vì kém cỏi, họ không đủ tri thức để hiểu ý tưởng của những người có năng lực. Bi kịch thay, nếu họ lại có quyền lực thì cuối cùng, trở thành lực cản của sự phát triển.

Đó là chưa kể những người này phải “chạy” thì mục đích của họ đầu tiên và trên hết là “hoàn vốn” và “sinh lời”. Để đạt mục địch này, họ không từ thủ đoạn nào để “móc túi dân”. Dốt nát về “gieo trồng” nhưng ngược lại, họ lại là những… bậc thầy “thu hoạch”.

Vẫn theo bài báo trên VOV, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng thi tuyển công chức, viên chức là tuân theo quy định của Luật cán bộ công chức và Luật viên chức. Nên nếu ở nơi nào đó không tuân thủ, không thực hiện đúng quy định đó là vi phạm pháp luật. “Sai sót trong lĩnh vực này cũng có nguyên nhân là gắn với hành vi tham nhũng”. Ông Thảo nói.

Như vậy, theo lời của Nhà nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo thì đây là “hành vi tham nhũng” mà đã là “tham nhũng” thì cần phải có hình thức xử lý đúng với tội danh tham nhũng.

Chỉ có như vậy mới hi vọng có sự “công khai, minh bạch” trong lĩnh vực này.

Còn với những cách làm như hiện nay, bạn có tin vào các cuộc thi tuyển công chức không? Tôi thì….!