Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Đà Nẵng: Khách sạn bùng nổ, hạ tầng đuối sức

TÂM AN

(PL)- Giao thông ách tắc, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường biển là hệ quả của việc tăng nhanh số lượng khách sạn tại Đà Nẵng thời gian qua.

Đi dọc các tuyến đường lớn ven biển Đà Nẵng như đường Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà)…, có thể thấy các khách sạn, resort đang mọc lên nhan nhản. Bên cạnh việc mang lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận cư dân thì số lượng khách sạn mọc lên quá nhanh không theo quy hoạch đã dẫn đến không ít phiền toái cho cuộc sống người dân trong khu vực do cơ sở hạ tầng không theo kịp; đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt trở nên căng thẳng cũng như vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Phố… ùn tắc giao thông

Tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, có nhiều con đường được người dân quen gọi là “phố khách sạn” như đường Hà Bổng; Hồ Nghinh; Phan Liêm; An Thượng 26, 30, 31; Trần Bạch Đằng… Đặc biệt có nhiều con đường chỉ dài vài trăm mét nhưng tập trung một số lượng “khủng” các khách sạn. Chẳng hạn, đường Hà Bổng dài khoảng 500 m, rộng hơn 7 m nhưng phải “cõng” tới gần 50 khách sạn lớn, nhỏ. Tương tự, một hẻm nhỏ ở đường Dương Đình Nghệ chỉ rộng vừa đủ một chiếc ô tô đi qua nhưng cũng có tới cả chục khách sạn, nhà nghỉ.

Điều đáng nói là số khách sạn, nhà nghỉ tăng nhanh tại nhiều khu vực khiến đường sá trở nên tắc nghẽn, việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thắng, lái xe ôm nhiều năm tại đường Hà Bổng, cho biết: “Trước đây con đường này khá yên tĩnh. Từ khi xuất hiện khách sạn, nhà nghỉ thì khu phố trở nên ồn ào hơn, nhất là chiều tối. Ô tô tấp nập qua lại đón khách khiến giao thông ở đây thường bị ùn tắc. Chúng tôi gọi vui phố du lịch là phố… ùn tắc”.

Còn ông Lê Văn Dũng, ngụ đường Hà Đặc, phàn nàn: “Các con đường ở đây đa phần đều rất nhỏ nên không có chỗ đậu xe. Thế nhưng vào mùa cao điểm du lịch, nhiều tài xế vẫn thường đậu xe rất lộn xộn khiến chúng tôi không có đường để đi lại”. Ngoài ra, việc “bùng nổ” khách sạn cũng chính là một phần nguyên nhân đẩy tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng năm nay trở nên căng thẳng. “Vào mùa nắng nóng, họ sử dụng máy bơm công suất lớn hút nước hết trơn. Chúng tôi thường phải chầu chực đến 3 giờ sáng để canh hứng từng xô nước…” - ông Dũng bức xúc.

Ông Trần Vinh, một ngư dân trú tại đường An Cư 1, lại lo lắng trước tình trạng một số khách sạn xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. “Bao năm qua chúng tôi sống được là nhờ biển. Bây giờ họ xả nước thải ra biển, tôm cá bỏ đi thì chúng tôi biết lấy gì để sống. Đó còn chưa kể TP Đà Nẵng nổi tiếng với những bãi biển đẹp, xả nước như vậy thì còn ai dám xuống tắm biển nữa” - ông Vinh bày tỏ.

Sẽ quy hoạch việc phát triển khách sạn

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng, cho biết việc “bùng nổ” khách sạn đã và đang gây quá tải cho hệ thống xử lý nước thải của TP. Do không đủ khả năng xử lý, thời gian qua đã có hiện tượng nước thải tràn ra vỉa hè, bờ biển… Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, theo ông Mã, thời gian tới công ty sẽ không cho các khách sạn đấu nối đường xả thải trực tiếp ra hệ thống nước thải của TP mà chỉ cho đấu vào những vị trí xung quanh, nước chảy quanh co sẽ giảm tải cho các cửa xả vào những giờ cao điểm. “Công ty cũng đề nghị được bơm nước thải lên những lô đất trống tại một số khu vực thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà để nước có chỗ thấm. Hiện Sở Xây dựng cũng đã cơ bản đồng ý với giải pháp này” - ông Mã cho hay.

21.324 là số phòng của 575 khách sạn, resort ở TP Đà Nẵng tính đến năm 2016, theo thống kê nhanh của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tăng gần 3.100 phòng so với năm 2015. Trong đó, khối khách sạn 1-2 sao là 459 với hơn 10.000 phòng, chiếm gần 80% tổng số cơ sở lưu trú.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay thời gian qua sở này cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các khách sạn, nhà nghỉ để hạn chế tối đa các hành vi xả thải ra môi trường hay các hành vi gây mất an ninh trật tự... “Để khắc phục tình trạng trên một cách căn cơ, Sở đang lập quy hoạch định hướng phát triển khách sạn trên địa bàn TP. Chúng tôi sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư nên phát triển loại hình khách sạn nào, khu vực nào cho phù hợp” - ông nói.
***

Gây sức ép đến cơ sở hạ tầng

Việc tăng nhanh số lượng khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhất là khách sạn 1-2 sao, đã gây sức ép không nhỏ đến cơ sở hạ tầng TP. Cơ sở hạ tầng được tính toán, thiết kế cho một lượng người nhất định. Khi du lịch phát triển, khách kéo đến đông thì dĩ nhiên sẽ đặt ra những bài toán về giao thông, môi trường. Đây là một vấn đề khó mà bất cứ TP du lịch nào cũng phải đối mặt. TP Đà Nẵng đã nhìn thấy vấn đề này và đang tìm giải pháp khắc phục.

Ông TRẦN CHÍ CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng