TTO - Cho rằng ban tổ chức không khách quan khi “cài người” vào để khen dự án và ý kiến của người dân không được tôn trọng nên hầu hết người dân bức xúc bỏ họp về giữa chừng.
Sáng 25-7, hơn 100 người dân xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã đến UBND xã Lộc Thuận để nghe chủ đầu tư dự án trạm nghiền ximăng Bến Tre (xây dựng trên địa bàn xã, thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại DIC Bến Tre) giới thiệu về công nghệ và cam kết bảo vệ môi trường khi dự án đi vào khai thác.
Tuy nhiên, người dân cho rằng ban tổ chức không khách quan khi “cài người” vào để khen dự án và ý kiến của người dân không được tôn trọng nên hầu hết đều bỏ về. Cuối buổi họp chỉ còn lại vài chục người.
Dự án đẹp trên... giấy
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Thân - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại DIC Bến Tre, chủ đầu tư dự án - đã giới thiệu về công nghệ sản xuất, tác động của dự án đến kinh tế - xã hội và cam kết của công ty về việc bảo vệ môi trường.
Theo ông Thân, dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, máy nghiền chu trình tuần hoàn kín. Các băng tải được bao che kín và bố trí túi lọc bụi hút bụi.
Độ ồn của dây chuyền sản xuất bảo đảm tuân thủ yêu cầu theo quy chuẩn độ ồn QC26-2010/BTNMT. Hệ thống nước sản xuất là hệ thống tuần hoàn kín - tái sử dụng - không phát sinh nước thải ra môi trường. Hệ thống nước thải do sinh hoạt được thu gom đưa về các khu xử lý đạt tiêu chuẩn.
Ngoài ra, theo ông Thân, dự án đóng góp tăng thu ngân sách địa phương khoảng hơn 15 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho khoảng 180 người lao động trong công ty. Dự kiến sử dụng đến 85% lao động của tỉnh.
Ngay sau phần phát biểu của chủ đầu tư, ông Lê Văn Đạt - 69 tuổi, một cán bộ về hưu của xã Lộc Thuận - đã nêu quan điểm riêng là đồng ý với dự án này. Ngay lập tức, cả hội trường nhao nhao phản ứng, một số người đứng lên định bỏ về nhưng sau đó được vận động ở lại để tiếp tục lắng nghe.
Người dân lo lắng
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết người dân địa phương trước nay chủ yếu sinh hoạt bằng nguồn nước mưa và nước sông. “Khi dự án này đi vào hoạt động, bụi bay khắp nơi liệu có đảm bảo không hòa vào nguồn nước của người dân không? Hậu quả đó rồi con cháu chúng tôi phải gánh sao?”.
Sau khoảng 30 phút tranh luận với 2 luồng ý kiến, một đồng ý cho nhà máy hoạt động tại địa phương và một nhất quyết không đồng ý, đến khoảng 11h cùng ngày, hầu hết người dân bỏ ra về khi cuộc họp vẫn chưa kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại - cho biết huyện Bình Đại chủ yếu là kinh tế nông nghiệp, lại là vùng chịu biến đổi khí hậu nên đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Quan điểm của huyện là muốn phát triển kết hợp giữa nông nghiệp, công nghiệp kết hợp dịch vụ, trong đó tích cực thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp. “Nhưng quan điểm xuyên suốt là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về dự án trạm nghiền ximăng Bến Tre, ông Dũng cho biết đây chỉ là bước khởi đầu của dự án để thông báo dự án đến người dân. Bước quan trọng tiếp theo là báo cáo tác động môi trường của dự án. Việc này sẽ do Sở Tài nguyên và môi trường Bến Tre chủ trì thực hiện. Khi có kết luận sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân và trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi đầu tư.
***
Theo quyết định của UBND tỉnh Bến Tre, dự án có tên gọi là “Trạm nghiền ximăng Bến Tre” được xây dựng trên diện tích 12.883m2, tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án 50 năm. Đơn vị đầu tư là Công ty CP đầu tư và thương mại DIC, có trụ sở tại TP.HCM.
Mục tiêu của dự án là sản xuất ximăng và thạch cao với công suất thiết kế 1 triệu tấn ximăng/năm.
Dự án sẽ xây dựng các hạng mục: kho chứa clinker 10.000 tấn, nhà nghiền ximăng, silô chứa ximăng, nhà đóng bao, cảng xếp dỡ nguyên liệu và sản phẩm cho các phương tiện trên 3.000 tấn, phòng thí nghiệm, hạng mục cấp thoát nước...
Dự kiến đến cuối năm 2017 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.