(PL)- Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng án lệ này chưa thấu lý đạt tình, không đủ tiêu chuẩn vận dụng để tạo ra một đường lối xét xử thống nhất.
Án lệ số 02/2016 về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản tại tỉnh Sóc Trăng giữa bà Nguyễn Thị Thảnh và ông Nguyễn Văn Tám đã được TAND Tối cao thông qua vào tháng 4-2016. Xung quanh án lệ được lấy từ Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao này có nhiều ý kiến cho rằng chưa tiêu biểu.
Việt kiều mua đất nhờ đứng tên
Theo đơn khởi kiện, năm 1993, bà Thảnh nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Hêng Tính gần 7.600 m2 đất ruộng tại thị xã Sóc Trăng với giá hơn 21 chỉ vàng. Do là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên bà Thảnh để cho ông Tám (em ruột bà) đứng tên và cho ông này được canh tác. năm 2004, ông Tám bán đất cho một công ty với giá hơn 1,2 tỉ đồng. Bà Thảnh khởi kiện yêu cầu ông Tám phải trả lại số tiền thu được từ việc bán đất. Ông Tám không đồng ý, cho rằng đất do vợ chồng ông bỏ tiền ra mua.
Tháng 4-2006, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm buộc ông Tám phải hoàn trả cho bà Thảnh 630 triệu đồng. Hai bên đương sự đều kháng cáo. Bốn tháng sau Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sửa án sơ thẩm, buộc ông Tám trả cho bà Thảnh hơn 27 triệu đồng (tương đương hơn 21 chỉ vàng), số tiền còn lại tòa tuyên sung công quỹ nhà nước. Ông Tám tiếp tục kiến nghị giám đốc thẩm.
Giám đốc thẩm thành án lệ
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định ông Tám chỉ là người đứng tên và quản lý đất giùm bà Thảnh. Như vậy, ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất. Vì thế các cấp tòa sơ, phúc thẩm phải xác định số tiền bán đất (sau khi trừ tiền gốc tương đương hơn 21 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám.
Đồng thời các cấp tòa phải xác định công sức của ông Tám để chia cho ông một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng. Nếu không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia.
Từ đó, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm tuyên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xử lại.
TAND Tối cao khái quát nội dung của án lệ như sau: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra mua đất và nhờ người ở trong nước đứng tên hộ, khi giải quyết tranh chấp thì tòa phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất với người đứng tên hộ. Nếu không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người mua và người đứng tên hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với số tiền mua đất ban đầu.
Chưa thấu lý đạt tình?
Theo thẩm phán Nguyễn Công Phú (Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM), bản chất pháp lý của vụ này là yêu cầu giải quyết hậu quả phát sinh từ giao dịch dân sự vô hiệu, quan hệ pháp luật có tranh chấp ở đây là hợp đồng dân sự.
Nếu giao dịch có hiệu lực thì phải công nhận, vô hiệu thì buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại thời điểm giải quyết. Nhưng đối với khoản lợi nhuận, lợi tức hoặc thu nhập phát sinh (gọi chung là lợi ích có được) từ việc thực hiện giao dịch dân sự vô hiệu thì BLDS 2005 không quy định để xử lý.
BLDS 2015 có bổ sung quy định bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó nhưng vụ án này không thể áp dụng BLDS 2015. Từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu có phát sinh lợi nhuận. Vì vậy, rất cần có án lệ để tòa án các cấp áp dụng thống nhất.
Dù án lệ trên đưa ra được đường lối giải quyết vấn đề nhưng đáng tiếc là lập luận lại sơ sài. Cụ thể, án lệ mới chủ yếu đánh giá chứng cứ chứ chưa làm rõ được bản chất pháp lý của vụ án. Chưa xác định rõ giao dịch dân sự nào có hiệu lực, giao dịch nào vô hiệu, vì sao có hiệu lực hoặc vô hiệu? Ông Tám đã nhận và phải hoàn trả cho bà Thảnh những gì (trị giá bao nhiêu)? Bên nào có nghĩa vụ chứng minh công sức đóng góp của ông Tám? Vì sao khi không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để phân chia khoản lợi nhuận phát sinh (có phải cấp giám đốc thẩm cho đây là lẽ công bằng)?
Do còn nhiều vấn đề chưa rõ như trên nên án lệ này khiến người đọc chưa thật sự thỏa mãn, chưa bảo đảm một đường lối xét xử thống nhất.
Một thẩm phán TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang cũng cho rằng án lệ này chưa tiêu biểu. Bởi lẽ người có hành vi sai trái là ông Tám nhưng bản án lại buộc bà Thảnh phải chia cho ông Tám công sức bảo quản, giữ gìn đất. Án lệ lập luận nếu không xác định chính xác được thì tính công sức của hai bên là ngang nhau để chia là thiệt thòi cho bà Thảnh.
Mặt khác, giữa ông Tám và bà Thảnh có thỏa thuận đứng tên giùm nhưng tòa các cấp chưa làm rõ có thỏa thuận hình thức trả công cho ông Tám trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản bằng cách là ông có quyền canh tác thửa đất hay không. Nếu ông Tám được hưởng lợi từ việc canh tác thửa đất đó thì các lợi ích đó ông Tám đã được hưởng được xem là số tiền mà bà Thảnh đã trả công sức bảo quản, giữ gìn. Chưa làm rõ vấn đề trên, án lệ vẫn buộc bà Thảnh chia một phần tài sản của mình để trả cho công sức đóng góp của ông Tám là không hợp tình, hợp lý.
***
"Chưa thành án lệ được"
Tôi cho rằng đưa bản án này ra làm án lệ là chưa đáp ứng được yêu cầu cần có. Công sức tôn tạo, giữ gìn tài sản là quan điểm cũ trước đây, áp dụng trong hoàn cảnh điều kiện loạn lạc, chiến tranh. Thời nay việc khai thác tài sản mang lại lợi ích lớn cho người quản lý nhiều hơn công sức của họ bỏ ra để quản lý (không đáng gọi là giữ gìn, tôn tạo giá trị nữa).
Tòa các cấp đã xác định giao dịch mà bà Thảnh nhờ ông Tám đứng tên giùm là có thật thì phải làm rõ các điều khoản thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp không xác định được thì khi ông Tám có khai thác thửa đất đã được hưởng lợi ích thì cần xem là đã bù đắp công lao của ông Tám.
Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM