Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Bán hàng online thu tiền khủng sẽ tự nguyện… nộp thuế?

Nguyễn Hoàng Lan

VNN - Với các quy định và công cụ hiện nay, việc tính toán và xác định được mức thuế phải nộp đối với hoạt động bán hàng qua mạng (BHQM) quả thực không dễ. Khi đó các biện pháp để hướng họ tự nguyện nộp thuế giành được nhiều sự chú ý.

Những năm lại đây, hoạt động kinh doanh online (bán hàng qua mạng internet/ mạng xã hội/ mạng viễn thông) ngày càng được xã hội chú trọng. Khởi đầu từ việc tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tiết kiệm chi phí vận hành,… nay BHQM đang trở thành “hot trend”, dần trở thành kênh bán hàng ưu tiên khi khởi nghiệp.

Tuy nhiên, dù có doanh thu khủng, nhiều người thu tiền tỷ, nhưng đến nay ngành thuế vẫn trắng tay, không thu được đồng tiền thuế nào từ hoạt động này. Điều này đã tạo ra môi trường không công bằng, bình đẳng với những doanh nghiệp khác.

Theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Chính phủ quy định: “Người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào nghị định này thì có vẻ vẫn chưa đủ.

Tất cả mọi trường hợp kinh doanh hàng hóa đều phải đăng ký kinh doanh, trừ một số trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ có thể không cần phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, những trường hợp trên không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, song vẫn phải nộp thuế môn bài, vì thuế này đánh vào hoạt động kinh doanh và thu nhập của họ chứ không đánh vào vốn đăng ký .

Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài năm 2017, với nhiều điểm thay đổi so với các quy định trước đây. Theo đó, 7 trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

Về mức thu lệ phí, nghị định này quy định, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm thì mức thu là 1 triệu đồng/năm; doanh thu trên 300 - 500 triệu đồng/năm mức thu là 500.000 đồng/năm; doanh thu trên 100 - 300 triệu đồng/năm sẽ có mức thu là 300.000 đồng/năm.

Vấn đề khá phức tạp đối với ngành thuế hiện nay khi tiến hành động viên các cá nhân BHQM kê khai nộp thuế thì tất cả các trường hợp này đều tìm mọi lý do minh chứng doanh số không quá 100 triệu/ năm để không phải nộp thuế. Từ thực tế này tôi có đề xuất với các cơ quan chức năng giải pháp “Rà soát các cá nhân BHQM phải nộp thuế theo hạn mức” như sau:

Thứ nhất, giá trị 01 đơn hàng (01 hoá đơn mua hàng, bao gồm cả thuế) không được vượt quá 10% mức tối đa theo khung nộp thuế môn bài;

Thứ hai, giá trị 01 món hàng trong 01 đơn hàng không được vượt quá 5% mức tối đa theo khung nộp thuế môn bài.

Nếu vi phạm 1 trong 2, hoặc cả 2 nội dung trên thì sẽ bị áp theo mức nộp thuế môn bài tương ứng.

Cụ thể, nếu cá nhân BHQM tự nhận doanh thu không vượt quá 100 triệu/năm thì họ phải đảm bảo không có 01 đơn hàng nào có giá trị trên 10 triệu đồng, và không có món hàng nào trên 5 triệu đồng.

Kết hợp cùng kết quả làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển kèm thu hộ, tôi tin ngành thuế có thể sàng lọc ra được các cá nhân BHQM thuộc diện phải nộp thuế môn bài.

Trong quá trình lưu kho, lưu thông, hàng hoá có thể bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra đột xuất. Bên cạnh chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá thì giá trị hàng hoá cũng là 01 căn cứ để xem xét yếu tố cá nhân BHQM đã thực hiện đúng các quy định về việc nộp thuế hay chưa. Vì vậy, nếu doanh thu trên 100 triệu thì các cá nhân BHQM sẽ thấy cần đăng ký nộp thuế môn bài để yên tâm kinh doanh và nâng cao uy tín trong xã hội.