LĐO - Tạp chí Forbes mới vinh danh hai người Việt là tỉ phú USD. Thế nhưng chúng ta có hàng triệu tỉ phú khác. Đó là những tỉ phú…thời gian.
Lâu lắm rồi chúng ta mới có nhiều thứ để được ngẩng cao đầu đến phát… mỏi cổ như dạo gần đây. Đầu tiên là việc ngắm nhìn chú King Kong nhảy múa tưng bừng trên màn ảnh rộng. Từ khi có Kong, 10 người Việt gặp khách du lịch nước ngoài thì có lẽ cả 10 hỏi đầy vẻ tự hào: Đã xem Kong chưa, Việt Nam chúng tao đấy. Việt Nam đẹp lắm.
Kế đó là câu chuyện café trứng của Hà Nội lên hẳn kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, CNN. So với lần lên sóng dở khóc dở cười của bún chửi Ngô Sỹ Liên thì café trứng đích thực là một niềm tự hào. Trong đoạn phóng sự, món café trứng được phóng viên CNN mô tả như một đặc sản nên nếm thử khi đến thăm thủ đô và hình ảnh Hà Nội hiện lên đầy bình dị, mộc mạc. Tôi đọc được sự kiện này trên báo Anh. Bằng tất cả sự háo hức và tự hào, tôi lăn vội con chuột đọc ngấu nghiến toàn bộ phần bình luận của độc giả về bài viết. Đa phần là ngợi khen không chỉ café trứng, mà rộng ra là toàn bộ ẩm thực Việt.
Duy chỉ có một bình luận khiến tôi phải nhíu mày. Anh ta viết: “Tôi đã ở Hà Nội 1 tuần và phải thừa nhận, hiếm quốc gia nào thích uống café như Việt Nam. Các quán café đông đúc suốt ngày. Dường như họ chẳng có việc gì để làm ngoài ngồi hàng giờ đồng hồ ở các quán café”. Các trả lời riêng cho bình luận này đa phần đều xác nhận: Người Việt dường như quá rảnh rỗi. Họ la cà suốt ngày ở các quán café.
Dù sống ở Hà Nội và được tận hưởng sự phong phú tới chóng mặt của các quán café mọc lên khắp mọi ngõ ngách, tôi vẫn phải thừa nhận: Đúng là dường như người Việt rảnh rỗi thật.
Tôi dành 5 năm gần đây để đi rất nhiều nơi. Từ Châu Âu cho tới các quốc gia phát triển ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông… Thú thật mà nói, chưa ở đâu tôi thấy nhu cầu la cà quán xá lại được thỏa mãn dễ dàng như ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Bước chân lên phố cổ, quán café hiện ra trước mặt như một bữa tiệc buffet. Chỉ riêng việc chọn lựa thôi cũng đã là một cơn đau đầu rồi.
Ở Tokyo, Seoul, Hồng Kông…, tìm một điểm dừng chân để nhâm nhi ly café là tương đối khó khăn. Và sẽ càng khó hơn nếu bạn hy vọng có thể vẽ nên một bức tranh về bản sắc của đất nước đó trong các quán café. Đơn giản là dân Nhật, Hàn, Sing hay rất nhiều quốc gia phát triển không giết quá nhiều thời gian trong đó. Họ chuộng hơn các hình thức “coffee to go”, tức là mua đến văn phòng để uống.
Ở Hà Nội thì khác. Các quán café có vị trí đắc địa đông đúc suốt cả ngày. Thành phần khách hàng thì muôn màu muôn vẻ. Sinh viên, học sinh, dân lao động, công chức, thượng vàng hạ cám đủ hết. Có những người ngồi hàng giờ liền, nói đủ chuyện từ đại sự quốc gia cho tới chuyện cô Ngọc Trinh kiếm tiền bằng cách nào để mua cái túi 2,5 tỉ đồng đi chợ Bến Thành.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà quán café mọc lên như nấm ở Hà Nội và đặc thù của nó là bám phố cổ hoặc bám các cơ quan, công sở. Ngay cả trong giờ làm việc, dân ta cũng rất sẵn lòng gật đầu với lời mời quen thuộc “làm tí café” của ông bạn đồng nghiệp. Hiếm khi nào chiếc điện thoại phát huy đúng chức năng gọi điện như khi người ta muốn rủ nhau đi uống café, mà café trong giờ làm việc lại càng tuyệt vời hơn.
Café trong giờ làm việc và bia hơi cuối ngày là “combo” thần thánh của rất nhiều người Việt. Và cho dù nó được gắn những cái mác nghe rất ngầu như “kết nối anh em” hay “thư dãn lành mạnh” thì cũng không có nghĩa là nó được phép diễn ra hằng ngày.
Và rồi cũng từ những quán café này, quán bia nọ, nhiều nghịch lý khôi hài ra đời.
Cũng vẫn những con người vừa ngồi đốt vài tiếng đồng hồ ở quán café để lướt facebook, Zalo, Instagram, họ ngồi lên xe hơi, xe máy về nhà giờ tan tầm, và họ tìm mọi cách chen chúc, phá vỡ tất cả các luật lệ để có thể đi nhanh hơn người khác. Nhìn bức tranh giao thông Việt Nam, ai đó mới lần đầu tiên đặt chân tới dải đất hình chữ S chắc đều bấm bụng nghĩ rằng: Ôi, những con người bận rộn.
Họ tiết kiệm từng giây dừng đèn đỏ, từng mét vuông đất trên đường để có thể đi trước thiên hạ. Tại sao tôi phải đi đúng chiều khi… đi ngược chiều rõ ràng là nhanh hơn. Tại sao tôi phải dừng đèn đỏ khi rõ ràng nếu vượt cái cột đèn tín hiệu chết tiệt đã tồn tại hơn 100 năm đó, chúng ta có thể tiết kiệm thêm được vài phút đồng hồ mỗi ngày để ngồi café, để khoe khoang với thế giới rằng Việt Nam có con King Kong leo trèo khắp Ninh Bình, vịnh Hạ Long, có café trứng khiến thế giới mê mẩn, khiến tờ The Guardian của Anh phải viết bài và có hàng trăm người hào hứng bình luận.
Thiết nghĩ, bên cạnh chú King Kong và café trứng, một trong những niềm tự hào khác của người Việt so với thế giới còn là chuyện chúng ta có dư thừa các tỉ phú. Chỉ có điều, đó là những tỉ phú… thời gian.
Bạn luôn hỏi “Vì sao năng suất lao động người Việt Nam lại thấp thế”. Hãy ra những quán café, giữa giờ vàng ngọc, bạn sẽ có một phần câu trả lời.