TPO - UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 28 cơ quan, đơn vị có sai phạm, trong đó 14 đơn vị có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; 10 đơn vị có sai phạm về tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức…
Ngày 29/3, báo cáo đoàn giám sát Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính, Thanh Hóa cho biết, hiện còn nhiều đơn vị có số lượng lãnh đạo cao hơn nhân viên, điển hình như Sở Tư pháp có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động… Một số đơn vị như Sở TN&MT có tới 6 Phó giám đốc, Sở NN&PTNT đến tháng 7/2016 có tới 8 Phó giám đốc và đến cuối năm 2016 giảm xuống còn 5 Phó giám đốc sở.
Bên cạnh đó, một số đơn vị lại chỉ có lãnh đạo mà không hề có nhân viên. Điển hình như Qũy bảo trợ trẻ em chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó, không có cấp trưởng phòng, phó phòng và không có nhân viên. Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử cũng có một cấp trưởng, hai cấp phó và không hề có trưởng, phó phòng; Phòng công chứng số 2, cũng chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó, không hề có trưởng phòng, phó phòng và nhân viên.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết, Thanh Hóa có đơn vị tăng đột biến tới 51 người từ năm 2011 đến năm 2016, như ở Sở NN&PTNT, tại Sở Công thương cũng tăng hơn chục người, ngược lại tỷ lệ giảm chỉ có một vài đơn vị, vậy nguyên nhân do đâu? Có nhất thiết phải bổ nhiệm nhiều cấp phó như vậy không? Bởi thực tế nhiều đơn vị như Sở GD&ĐT, Sở Y tế với lượng công việc lớn mà số lượng cấp phó lại không nhiều, nhưng họ vẫn duy trì được trong nhiều năm nay.
Ngay cả vấn đề tuyển dụng, theo ông Cương, lâu nay là cứ “sống lâu lên lão làng”, cứ đủ điều kiện là đi nâng ngạch hết. Trong khi đó, mỗi sở chỉ cần vài chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và phải có chuyên viên thường chứ đâu phải chuyên viên chính, cao cấp hết.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân đánh giá, bộ máy hiện vẫn cồng kềnh, thu hẹp ở trên lại phình ở dưới, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau, vì vậy, đã đến lúc đánh giá một cách nghiêm túc việc “phẫu thuật” lại hệ thống hành chính.
Bày tỏ băn khoăn về việc tinh giản biên chế, ông Vân cho rằng hiện mới chỉ đang giảm theo kiểu cơ học, tức là chủ yếu giảm những người về hưu chứ chưa đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về năng lực.
Ông Vân đặt hàng loạt câu hỏi: “Nguyên nhân của việc không tinh giản biên chế một cách thực chất? Lâu nay tỉnh đã xử lý được ai là người đứng đầu nhưng chưa thực hiện nghiêm túc việc này hay không? Tỉnh nói đã thực hiện 28 vụ thanh tra, vậy có phát hiện ra những vụ việc nổi cộm nào như báo chí nêu không? Tại sao lại để lọt lưới những vụ nổi cộm như vậy?”…
Giải trình các vấn đề đoàn giám sát đặt ra, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hoá cho biết, số lượng biên chế của một số Sở tăng lên là do tăng nhiệm vụ và đã được Bộ Nội vụ đồng ý.
“Mục tiêu của tinh giản biên chế là sắp xếp tổ chức, đánh giá chất lượng hoạt động của công chức, viên chức để đưa ra khỏi bộ máy những người hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ thấp và không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, các quy định hiện hành đang mang yếu tố định tính, chưa định lượng nên việc đánh giá thiếu chính xác, dẫn đến việc tinh giản cũng khó khăn”, ông Tùng nêu ý kiến.
Liên quan cấp phó, ông Tùng cho biết, Sở NN-PTNT từ 8 Phó Giám đốc nay chỉ còn 5, trong đó có 1 phó kiêm nhiệm và sẽ nghỉ hưu vào 2018. Một số Sở có từ 4-5 Phó thì tỉnh có chỉ đạo để luân chuyển, sắp xếp đảm bảo cấp phó theo đúng quy định.
“Tuy nhiên, việc quy định số lượng cấp phó đồng loạt cho tất cả các cơ quan chuyên môn, cho tất cả các tỉnh không quá 3 Phó Giám đốc Sở thì cũng khó trong phân công nhiệm vụ vì đơn vị hành chính, dân số và quy mô mỗi địa phương khác nhau. Thanh Hoá có mấy chục đơn vị hành chính thì cần khác tỉnh chỉ có mấy đơn vị”, ông Tùng nêu quan điểm.