TTO - Vụ 40 móng biệt thự xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) - được coi là “mắt thần Đông Dương” - đang gây bức xúc cho dư luận.
Trăn trở về cách ứng xử với những khu vực trọng yếu, các chuyên gia cho rằng đất nước có thể lâm nguy nếu các vị trí nhạy cảm chiến lược không được quan tâm đúng mức.
* GS.TSKH Vũ Minh Giang
(phó chủ tịch Hội đồng di sản
văn hóa quốc gia):
Xem lại cách ứng xử của chính quyền
địa phương
Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản VN khẳng định rõ là đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Vậy nên việc ứng xử với những vị trí trọng yếu của đất nước cũng cần tuân thủ nguyên tắc này.
Bây giờ cứ hễ xảy ra sự việc nào đó thì lại được biện minh bằng cụm từ “đúng quy trình”. Tôi không rõ những người bao biện đó có nghĩ rằng nếu cứ như vậy thì rồi một ngày nào đó đất nước sẽ lâm nguy “đúng quy trình” hay không?
Từ chuyện phát hiện 40 móng biệt thự xây trái phép trên bán đảo Sơn Trà, cần nhìn lại một cách tổng thể cách ứng xử của chính quyền địa phương với những vị trí có tầm quan trọng quốc gia như vậy xem cách ứng xử đó phù hợp hay chưa, có vì quyền lợi của dân tộc hay không, hay vì quyền lợi của một vài người?
Với những vị trí này, khi để xảy ra sai phạm thì trước hết người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Cần phải quy trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể.
Đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại tất cả những địa điểm có vị trí nhạy cảm, trọng yếu như Tây nguyên, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, Vũng Áng... để từ đó có quy chế đặc biệt thật chặt chẽ cho những nơi này.
Nhiều nước quy định những vị trí xung yếu đó phải được coi là vùng cấm không được đụng vào vì liên quan đến an ninh, quốc phòng của đất nước.
Với những địa điểm như Sơn Trà thì việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Không thể vì du lịch, kinh tế mà làm tổn thương những địa danh đó.
Mới đây nhất, bài học về sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra rõ ràng là do chúng ta không nhìn xa.
Trong khi lợi ích cho đất nước mà Formosa mang lại chưa thấy đâu thì hậu quả đã quá đau đớn về phương diện vật chất, ô nhiễm môi trường và lòng dân.
Tôi cũng đề nghị Thủ tướng nên có những hình thức khen thưởng cho người đã phát hiện sai phạm trong vụ xây móng 40 biệt thự trên bán đảo Sơn Trà.
Với những người dân có trách nhiệm với Tổ quốc, dũng cảm lên tiếng trước những sai trái thì cần được sự động viên và khích lệ hoặc bảo vệ họ. Đồng thời, phải truy đến tận cùng trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra những sai phạm này.
Dù lợi ích của bất cứ cá nhân hay tổ chức có thế lực đến đâu cũng không được phép đặt trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
* Nhà nghiên cứu
Nguyễn Xuân Hoa (giám đốc Trung tâm nghiên cứu Huế):
Cần có một chiến lược
phòng thủ duyên hải
Qua sự việc 40 biệt thự xây dựng trái phép tại Sơn Trà chúng ta cần nhìn lại một cách tổng quan cách quản lý những địa điểm trọng yếu của đất nước về an ninh, quốc phòng như Sơn Trà, đèo Hải Vân, Vũng Áng, Tây Nguyên, Cam Ranh...
Tôi cho rằng ở tầm chiến lược vĩ mô, chúng ta cần có một chiến lược phòng thủ quốc gia, đặc biệt là với vùng duyên hải và những vị trí nhạy cảm nói trên.
Từ xưa các triều đại quân chủ nước ta đều có những chiến lược phòng thủ bờ biển và vùng duyên hải rất tốt và cẩn trọng.
Từ đó, bài học rút ra là chúng ta phải có một chiến lược phòng thủ quốc gia để sau khi hình thành và triển khai thì dựa trên chiến lược chung đó, các địa phương sẽ phải tuân thủ và có cách ứng xử với những vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, kinh tế một cách tốt nhất.
Còn cách làm như hiện nay, những nơi trọng yếu nhất lại trở thành những nơi dễ nguy hiểm nhất bởi có chính quyền địa phương chỉ nghĩ tới việc phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư mà quên đi nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia.
Thử nghĩ xem, mấy năm trước ở đèo Hải Vân người ta định cho nước ngoài xây một khu nghỉ dưỡng, năm nay là ở bán đảo Sơn Trà thì không biết sang năm tới sẽ là vị trí trọng yếu nào khác? Mỗi nơi có một cách ứng xử rất tùy tiện. Như vậy chúng ta luôn rơi vào tình thế bị động.
Điều cấp bách cần đặt ra là Việt Nam nên có một chiến lược phòng thủ duyên hải bao gồm cả các cửa biển, cửa sông, hải đảo và nêu rõ những địa điểm trọng yếu cần bảo vệ.
Khi có chiến lược phòng thủ quốc gia thì sẽ cân bằng được giữa hai vấn đề là bảo vệ an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Bán đảo Sơn Trà được coi là “mắt thần Đông Dương” nên trước năm 1975 được chính quyền Việt Nam cộng hòa và người Mỹ bảo vệ như một khu vực cấm tuyệt đối. Cho đến nay, hệ thống rađa lớn nhất miền Trung cũng đặt trên bán đảo Sơn Trà.
Bảo vệ nghiêm ngặt những nơi trọng yếu của quốc gia bao giờ cũng có ích hơn là sự chủ quan, phát triển một cách tùy tiện.
Không riêng gì Việt Nam mà bất cứ nước nào trên thế giới cũng có những nơi trọng yếu có một chế độ đặc thù để bảo vệ.
* TS Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ):
Chỉ chú trọng
mục đích kinh tế là sai lầm nguy hiểm
Việc có đến 40 móng biệt thự xây trái phép tại Sơn Trà mà chính quyền không hay biết, chỉ đến khi người dân và báo chí lên tiếng mới vào cuộc điều tra, xử lý là câu chuyện kỳ lạ.
Phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư là tất yếu nhưng không thể vì thế mà không đảm bảo an ninh quốc phòng đất nước. Với những vị trí chiến lược như Vũng Áng, đèo Hải Vân, Sơn Trà, Tây nguyên... mà chỉ chú trọng mục đích kinh tế, không tính toán đến nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước là sai lầm cực kỳ nguy hiểm.
Đảng và Nhà nước nên xem xét lại toàn bộ quy hoạch phát triển những vị trí này để làm sao vừa phát triển kinh tế nhưng vừa đảm bảo được an ninh quốc phòng đất nước trước sự lăm le của rất nhiều thế lực.
Với những khu vực đó thì nên có một lộ trình, chủ trương để quản lý ở một tầm mức cao hơn, như Bộ Quốc phòng phải có ý kiến hoặc thậm chí Quốc hội phải thông qua thì mới được tiến hành.
***
* TS Nguyễn Viết Chức:
Phải lấy vụ Sơn Trà làm bài học
Vụ việc phát hiện 40 móng biệt thự ở Sơn Trà là hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương đều phải lấy đó làm bài học. Không có gì lọt qua được tai mắt của dân, nên hãy chấm dứt làm những điều sai trái.
Ở những nơi này, nếu để xảy ra sai phạm thì phải kỷ luật, thậm chí khai trừ Đảng những người vi phạm, tiếp tay. Không ai được đứng trên pháp luật.
Các cá nhân đứng đầu cơ quan chức năng nhà nước không phát hiện sai phạm cũng phải bị xử lý.
* KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG (phó chủ tịch
Hội Kiến trúc sư VN):
Không thể rút kinh nghiệm là xong
Tất cả can thiệp thô bạo của con người lên tài sản thiên nhiên cần phải lên án mạnh mẽ, không thể làm sai rút kinh nghiệm là xong.
Tất cả đều có luật, luật pháp VN quy định rất rõ ràng, vậy nên dù cá nhân hay tổ chức vi phạm thì xử lý theo pháp luật chứ không phải bàn cãi
nhiều nữa. (QUANG THẾ)