Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Vì sao gọi Sơn Trà là “mắt thần Đông Dương”?

HỮU KHÁ

TTO - Những ngày gần đây, dư luận quan tâm đến việc các công trình xây dựng mọc lên ở bán đảo Sơn Trà, trong đó có nhắc đến vị trí của Sơn Trà là “mắt thần Đông Dương”. Vì sao bán đảo Sơn Trà có tên gọi này?

Cùng với hệ thống núi non của Hải Vân ở phía bắc (thuộc Thừa Thiên - Huế), bán đảo Sơn Trà ở phía nam (thuộc Đà Nẵng) vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mang tên Vũng Sơn Trà. Vì vị trí như vậy nên Sơn Trà như một tấm bia che chắn cho Đà Nẵng.

Sơn Trà có gần 4.000ha rừng, núi Sơn Trà cao gần 700m. Bán đảo là nơi đóng quân của nhiều doanh trại quân đội.

Đặc biệt, trên đỉnh Sơn Trà có trạm rađa nằm ở độ cao 621m so với mực nước biển, được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” với bán kính quan sát của hệ thống lên đến hàng trăm kilômet. Tầm quét sóng có thể vươn ra cả khu vực Đông Dương.

Hiện nay, trạm rađa kiểm soát không lưu và cảnh báo sớm trên bán đảo Sơn Trà có nhiệm vụ cảnh giới và theo dõi không lưu của toàn bộ vùng nước Biển Đông, bao trùm lên toàn bộ vịnh Bắc Bộ và không phận của Lào, Campuchia. Với vị trí này, trạm rađa trên bán đảo Sơn Trà trở thành “mắt thần” của Trung tâm Cảnh báo sớm và điều hành tác chiến đường không trên toàn bộ Biển Đông và bầu trời Việt Nam.

Đề cập đến Sơn Trà, đại tá Thái Thanh Hùng - nguyên chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng - nói: “Ai cũng biết núi Sơn Trà có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, ở thời điểm này chúng ta nên đặt ra câu chuyện Sơn Trà hết sức khách quan, có nghiên cứu kỹ lưỡng trong bối cảnh đất nước thời điểm hiện tại.

Nếu bây giờ chúng ta yêu cầu phải giữ nguyên vẹn núi Sơn Trà cho mục đích an ninh quốc phòng không thì không được. Bởi vì việc quy hoạch núi Sơn Trà bao giờ cũng song song đảm bảo được hai yếu tố là phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng”.

Theo đại tá Hùng: “Khu vực nào quy hoạch là đất quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, các đơn vị chức năng phải giữ nghiêm ngặt. Còn khu vực nào kết hợp được giữa phát triển kinh tế với quốc phòng thì cũng nên làm.

Với những vị trí bình thường, nên cho đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quan trọng là làm sao mọi hoạt động ở đó phải được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng”.