Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Trưởng phòng chôm trứng, phó sở bẻ hoa, làm “quan” xin chớ làm hề

Văn Công Hùng

(Dân Việt) Có thể cái anh trưởng phòng kia hồn nhiên lấy mấy quả trứng thôi, anh ấy nghĩ của dân cũng như... của mình, mấy quả xá gì. Chị phó giám đốc sở kia cũng vậy, cành hoa nghĩa lý gì...

Tôi định không nhắc gì đến cái vụ bẻ hoa mai anh đào Đà Lạt nữa, bởi dù sao chị ấy cũng là phụ nữ. Vả, ngày hôm nay cả mạng lẫn báo chính thống đã đồng loạt “lên đồng” rồi. Nhưng tự nhiên một anh bạn lại nhắc: Hình như trình cán bộ ta có vấn đề ông ạ. Trưởng phòng cấp huyện thì... cầm nhầm trứng vịt của dân. Phó giám đốc sở thì bẻ hoa như tụi sửu nhi. Hiệu trưởng thì chối bay chối biến việc mình can dự mà nếu chị ấy có nhận cũng chả sao bởi nó là tai nạn khách quan, lỗi rất nhỏ so với việc chị ấy chối cật lực để phi tang hoàn toàn...

Lại nhớ ý kiến của ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng ban thường trực ban Tổ chức Trung ương phát biểu hôm rồi tại hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ, là chúng ta có tiêu cực, thao túng trong công tác cán bộ. Còn Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về công tác tổ chức thì nói: “công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải kiên quyết khắc phục. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; bệnh thành tích trong đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa cao...”.

Rõ ràng là những ý kiến này được đúc kết từ thực tiễn, và hoàn toàn có cơ sở, mà mấy vụ điển hình vừa diễn ra trên kia là ví dụ.

Dư luận xì xào một số cán bộ của ta phải chạy để ngồi vào chỗ ấy, và khi chạy xong thì họ phải... thu hồi vốn. Nguồn gốc của tham nhũng, hối lộ chính là từ đây một phần. Và đã chạy thì rõ ràng các tiêu chuẩn phải được du di, nếu không muốn nói là rỗng hoàn toàn. Nên lâu lâu ta lại nghe đồng chí này đồng chí kia bị kỷ luật vì khai man lý lịch, mượn bằng của người khác để nộp, hoặc làm bằng giả vân vân.

Tôi là người phản đối lối tuyển người và đề bạt lấy bằng cấp làm trọng, nó là mảnh đất để sinh ra nạn bằng giả, chạy bằng, học mà không học, học xong mà chả biết gì, cào bằng năng lực cán bộ, thủ tiêu năng lực... nhưng tôi vẫn cho rằng, bằng là điều kiện cần để tuyển dụng. Ít nhất phải đạt đến trình độ nào đấy mới ngồi vào vị trí ấy. Cái bằng nó chứng tỏ anh có học (tất nhiên là bằng ra bằng chứ không phải loại bằng như hiện nay, quá nhiều mà hàm lượng khoa học rất thấp, ai học tại chức, mở, từ xa, thậm chí một vài trường đại học chính quy nữa, bây giờ thì biết). Và khi có học thì ứng xử của anh ít nhất nó cũng bớt phần tăm tối đi, nó hướng thiện hơn, biết lẽ phải hơn, không bị sa vào những lỗi ngớ ngẩn như lấy mấy quả trứng, bẻ mấy cành hoa, chối bay một việc mà lẽ ra nếu mình đứng ra xử lý thì câu chuyện nó nhẹ đi rất nhiều, vân vân...

Chính phủ đang rất cố gắng, và đã có những thành công nhất định trong việc tạo ra một chính phủ kiến tạo và liêm chính, nhưng rõ ràng, một số công bộc trong bộ máy ấy, hình như đang có vấn đề, đang không theo kịp những ý tưởng rất hay rất đẹp mà người đứng đầu chính phủ luôn trăn trở và kêu gọi mọi người làm theo. Ba việc tôi nêu ở trên là ba việc rất nhỏ, nhỏ vô cùng trong hàng ngàn hàng vạn việc mà các cán bộ trong bộ máy đang thực thi hàng ngày, thế nhưng đau đớn là, rất nhỏ nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn, và nó khiến người ta đặt câu hỏi, việc nhỏ mà còn thế thì việc lớn sẽ ra sao? Cán bộ cỡ ấy mà thế mà được làm to hơn sẽ như thế nào?

Có thể cái anh trưởng phòng kia hồn nhiên lấy mấy quả trứng thôi, anh ấy nghĩ của dân cũng như... của mình, mấy quả trứng xá gì. Chị phó giám đốc sở kia cũng vậy, cành hoa nghĩa lý gì khi cả những cánh rừng đại ngàn kia giờ còn toàn cỏ lau, cả cô hiệu trưởng kia nữa... nhưng các anh chị ấy không nghĩ rằng, những hành vi dù nhỏ ấy, nó phản ánh chính tầm văn hóa, tư duy của họ. Cái cách họ làm nữa, nó điềm nhiên quá, không vẻ gì là lén lút, là e dè lưỡng lự cả. Nhân dân, trong khả năng của mình, họ lên án, phản đối những hành vi ấy, bởi các anh chị là công bộc của dân, là những người phải lo cho dân, chứ không phải làm những điều chướng tai gai mắt ấy, dù đấy là những điều có thể hết sức bột phát, hết sức nông nổi, hết sức có thể... thông cảm...

Ở mỗi chỗ đứng, phải có cách hành xử tương xứng. Người xưa (qua cụ Tào Mạt) bảo: Đã làm quan thì không làm hề, là thế...